Làng văn hóa, khu dân cư văn hóa được coi là "thành lũy" để bảo vệ văn hóa ngay từ cơ sở, là yếu tố quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú hơn.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh ngày càng phong phú, hấp dẫn. Trong ảnh: Giải bóng chuyền nam huyện Tứ Kỳ vừa được tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở Hải Dương tiếp tục được chú trọng và đạt những kết quả nổi bật. Một trong những yếu tố làm nên những kết quả đó chính là việc quan tâm xây dựng và giữ vững làng, khu dân cư văn hóa.
Làng, khu dân cư văn hóa hình thành từ mỗi cá nhân
Khu dân cư Thống Nhất, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) sáp nhập năm 2019 từ khu dân cư số 15 và 16. Trước khi sáp nhập, khu dân cư 15 và 16 được công nhận khu dân cư văn hóa từ năm 2017, 2019. Từ khi sáp nhập đến nay, danh hiệu văn hóa luôn được giữ vững, nhiều năm liền được Đảng bộ thị trấn Lai Cách khen thưởng do có thành tích xuất sắc.
Dù được công nhận danh hiệu văn hóa chưa lâu, song có được danh hiệu này là một cố gắng rất lớn của mỗi cá nhân và tập thể khu dân cư Thống Nhất. Đây là khu dân cư trung tâm của thị trấn Lai Cách, nằm sát quốc lộ 5, vốn khá phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Khu dân cư Thống Nhất hiện có 264 hộ và khoảng 700 nhân khẩu; chi bộ có 60 đảng viên, 80% số đảng viên hưu trí...
"Nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cao là một thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, nhất là khi triển khai các phong trào, cuộc vận động, nếu không khéo léo, linh hoạt sẽ phát sinh nhiều ý kiến phản hồi, thậm chí trái chiều. Vì vậy, chi ủy luôn phải nắm chắc các quy định và vận dụng sáng tạo để tuyên truyền, vận động có hiệu quả", ông Đào Văn Hoàn, Bí thư kiêm Trưởng khu dân cư Thống Nhất cho biết.
Cũng theo ông Hoàn, nhiều năm nay, nhờ đoàn kết, thống nhất xây dựng và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện đúng các thiết chế văn hóa, quy ước giúp đời sống của nhân dân ổn định. Đặc biệt tại đây không có trộm cắp, tệ nạn xã hội. "Làng văn hóa, khu dân cư văn hóa được hình thành và giữ vững từ mỗi cá nhân. Mỗi người đều là một hạt nhân rất quan trọng trong phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa", ông Đào Văn Hoàn khẳng định.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, việc phát huy và nhân rộng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa được đặc biệt chú trọng, coi đây là yếu tố then chốt để phát huy, bảo tồn văn hóa nói chung ngay từ cơ sở. Trong đó, các quy ước, hương ước đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao chất lượng. Việc rà soát đã kịp thời phát hiện những bản hương ước, quy ước có nội dung chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý. Đến nay, toàn tỉnh có 1.269 bản hương ước, quy ước đã được công nhận, đạt 95,1%.
Hội thi câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với mục tiêu thúc đẩy nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng làng, khu dân cư văn hóa được tổ chức trong tháng 6
Đời sống văn hóa phong phú hơn
Một điều dễ nhận thấy qua nửa nhiệm kỳ đại hội đó là đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từ thành thị đến nông thôn ngày một nâng cao. Diện mạo từ đô thị đến các làng, xã có những đổi thay rõ rệt. Những thay đổi tích cực nói trên đến từ nhiều phía, trong đó không thể không kể đến những tác dụng từ phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa mang lại.
Ông Phạm Văn An, Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết trong phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa đang có sự "ganh đua" nhưng mang ý nghĩa tích cực. Đó là nơi chưa được công nhận sẽ quyết tâm thực hiện để đạt danh hiệu. Nơi đã có danh hiệu tiếp tục phải nỗ lực để giữ vững. "Xã Hà Kỳ có 3 làng thì cả 3 đều đã đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Ở đây cũng có sự ganh đua giữa các làng để làm sao giữ vững được danh hiệu. Đó là một hiệu ứng tốt để diện mạo làng xã, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn", ông Phạm Văn An nói.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được Ban Chỉ đạo phong trào các cấp triển khai hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn tại cơ sở, gắn với xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; việc cưới, việc tang; xây dựng đô thị văn minh... Toàn tỉnh có 585.216 trong tổng số 643.050 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt 91%; có 1.293 trong tổng số 1.334 làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (đạt 96,9%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là duy trì tỷ lệ 90% số làng, khu dân cư văn hóa...
Qua rà soát của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho thấy, tại các địa phương đang giữ danh hiệu làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, tình hình an ninh trật tự cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân hạnh phúc. Rõ rệt nhất, dễ nhìn thấy nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn diễn ra sôi nổi, thu hút rất đông người dân ở mọi lứa tuổi tham gia.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thực sự phát huy vai trò tự quản của cộng đồng; từng bước hình thành nếp sống văn minh, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Từ phong trào còn giúp xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội trong việc tạo dựng cơ sở vật chất hạ tầng và các công trình phúc lợi văn hoá - xã hội...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa tiếp tục được ngành văn hóa cũng như tỉnh chú trọng trong nửa cuối nhiệm kỳ này, góp phần hình thành hệ giá trị văn hóa của người Hải Dương phù hợp với xu thế thời đại, gắn với phát huy giá trị truyền thống văn hiến của đất và người xứ Đông.
-----------------------------------------------
Kỳ sau: Cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp
TIẾN HUY