Không chỉ phát triển dịch vụ ăn uống, lưu trú, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) còn là nơi du khách được trải nghiệm không gian văn hóa người Mông trên cao nguyên đá.
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có đèo Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế được du khách đặc biệt yêu thích. Nhiều năm gần đây, huyện có nhiều chính sách phát triển du lịch bền vững gắn liền với phát triển kinh tế cho đồng bào sống ở khu vực này, điển hình là Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở xã Pả Vi.
Từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng (đi từ hướng thị trấn Đồng Văn) xuống, du khách sẽ nhìn thấy cổng làng được thiết kế với biểu tượng 2 chiếc khèn. Du khách để xe ở bãi và đi bộ vào trong làng cách khoảng 200m.
Làng văn hóa được quy hoạch xây dựng theo các khu A, B, C... Nhà văn hóa người Mông đặt chính giữa khu làng giúp du khách thuận tiện tham quan và trải nghiệm. Tại đây, du khách có thể tự dệt lanh, may vá thổ cẩm, nấu rượu và đan lát...
Vào thứ 7, Chủ nhật hằng tuần, đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa huyện Mèo Vạc còn tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc của người Mông, cũng như đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông với 28 hộ kinh doanh homestay đã trở thành điểm trải nghiệm của nhiều du khách.
Các homestay rộng từ 300 – 500m2, được xây dựng bằng gỗ hoặc gạch nằm liền kề, xoay quanh một sân tròn ở giữa cho tầm nhìn toàn cảnh. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, không gian văn hóa Mông hấp dẫn, kết hợp thêm tiếng nhạc vùng cao giúp du khách phấn chấn, vui tươi.
Theo anh Hoàng Văn Sên ( người dân tộc Giáy, chủ homestay A Sên), gỗ là vật liệu chính trong ngôi nhà của anh. Mái nhà được lợp ngói âm dương, tường rào quanh nhà được xếp bằng đá, những viên đá lớn, nhỏ, nhiều góc cạnh xếp chèn vào nhau, tạo nên bức tường kiên cố.
Bên trong homestay, các vật dụng trang trí đa phần là dụng cụ lao động, các loại đặc sản, trang phục truyền thống của người Mông... Điều đó giúp khách nghỉ ngơi tại đây có cảm giác sống gần gũi cùng với người dân bản địa.
Giá cho thuê phòng ở đây từ 400 – 700 nghìn đồng/đêm. Phòng tập thể thích hợp với "dân phượt" có giá trung bình khoảng 200 nghìn đồng/người, phục vụ ăn uống theo nhu cầu của khách.
Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm thêm các dịch vụ như tắm lá, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân tộc Mông.
Làm homestay, sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh Sên có thể lãi được 20 – 25 triệu đồng/ tháng. Đây là số tiền lớn đối với người dân ở vùng cao nguyên này.
Anh Quang - chủ homestay Yen cho biết, từ năm2016, khi UBND huyện Mèo Vạc có chính sách phát triển du lịch cộng đồng anh đã đăng ký tham gia ngay. Đây là cơ hội để các hộ gia đình tại đây xây nhà và phát triển kinh tế.
Anh Quang được hỗ trợ vay vốn. Anh dự tính làm hết khoảng 700 - 800 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm xong công trình đội vốn lên hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm đi vào hoạt động lại gặp dịch Covid-19 bùng phát nên việc kinh doanh khó khăn. Hai năm gần đây, du khách biết tới Làng văn hóa nhiều hơn nên hoạt động kinh doanh dần tốt lên, giúp người dân trả dần vốn vay.
Theo Đề án phát triển du lịch huyện Mèo Vạc đến năm 2025, tầm nhìn 2030, huyện quy hoạch trung tâm thị trấn Mèo Vạc thành trung tâm văn hóa - du lịch của huyện, đáp ứng được các yêu cầu của đô thị văn minh, thanh lịch, mang đậm sắc thái riêng của các dân tộc, trong đó chú trọng đến văn hóa dân tộc Mông; đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở.
Đồng thời, tổ chức sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường, cảnh quan du lịch; khôi phục những nét văn hóa truyền thống đang bị mai một; duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống…
Trong 8 tháng năm 2023, huyện Mèo Vạc đón hơn 330.000 lượt du khách (tăng 160% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu đạt hơn 280 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet