Đời sống văn hóa

Ở làng văn hóa Nghi Khê

TIẾN HUY 15/01/2024 17:00

Là một trong những làng, khu dân cư văn hóa tiêu biểu nhất của tỉnh Hải Dương trong năm 2023, người dân làng Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) luôn đoàn kết, gắn bó, phát triển kinh tế và giữ gìn danh hiệu.

dji_fly_20231220_102904_517_1703043233773_photo_optimized(1).jpg
Bộ mặt nông thôn của Nghi Khê ngày càng đổi mới

Việc làng cũng như việc nhà

Sáng sớm, anh Nguyễn Tiên Lương đã ra chùa làng. Lúc này ở chùa đã có hàng chục người quây quần gói bánh chưng để chuẩn bị hội làng. Với anh Lương, cũng như những người dân ở đây, việc của làng cũng như việc của nhà, không nề hà.

Nghi Khê là một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng, gìn giữ danh hiệu thôn, khu dân cư của tỉnh Hải Dương trong năm 2023. Thôn có diện tích 420 ha, trong đó đất canh tác 250 ha. Điều đặc biệt là thôn có 1.877 hộ nhưng có tới 64 dòng họ, 5.639 nhân khẩu, quần tụ, đoàn kết, gắn bó nhau phát triển sản xuất, giữ gìn đời sống văn hóa. Những dòng họ lớn của thôn như họ Nguyễn Tiên, Nguyễn Thế, Nguyễn Năng...

Là thôn thuần nông, song đến nay, người dân Nghi Khê đã đa dạng hóa các ngành nghề phát triển kinh tế như sản xuất nông nghiệp, trang trại, gia trại và các nghề mộc, nề, kinh doanh dịch vụ và gia công may mặc xuất khẩu. Những năm qua, cán bộ và nhân dân trong thôn luôn nỗ lực đoàn kết cùng nhau thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Những năm gần đây, xã Tân Kỳ, trong đó có thôn Nghi Khê nổi lên là một trung tâm nuôi thủy sản công nghệ cao và là địa phương đi đầu trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của huyện Tứ Kỳ. Hiện xã có gần 200 ha nuôi thủy sản công nghệ cao tập trung ở cả 2 thôn Ngọc Lâm và Nghi Khê. Việc nuôi thủy sản ở đây được máy móc hỗ trợ nên tiết giảm chi phí nhân công. Anh Nguyễn Hữu Quân ở thôn Nghi Khê có 11 ha nuôi cá cho biết: "Mặc dù có diện tích nuôi cá lớn nhất xã nhưng việc chăm sóc và quản lý chỉ cần 3 người do đã tự động hóa gần như toàn phần, năng suất đạt từ 30 - 35 tấn cá/ha, mỗi năm thu lãi từ 2 - 3 tỷ đồng”.

Giữ gìn danh hiệu làng văn hóa

z5009888305589_ccf819fd462f005c3f23745b94ab1a78(1).jpg
Bà con ở Nghi Khê tập trung gói bánh chưng để chuẩn bị hội làng

Theo ông Phạm Trọng Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ, Nghi Khê được công nhận làng văn hóa năm 1999, sớm nhất huyện Tứ Kỳ. Đã 24 năm qua, nhân dân thôn Nghi Khê luôn đoàn kết, gắn bó, chưa khi nào để tuột mất danh hiệu cao quý này.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Xòa, Trưởng thôn Nghi Khê thì bà con ở đây đoàn kết lắm. Như lễ hội làng từ ngày 21 - 24/12/2023, làm đến 600 mâm cỗ, gói khoảng 1.000 chiếc bánh chưng nhưng đại diện 64 dòng họ thống nhất rất cao. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân cũng thế, rất vui vẻ.

"Hội làng vào dịp cuối năm bận rộn nhưng con em xa quê luôn sắp xếp về tham dự. Đây là nét đẹp truyền thống của làng Nghi Khê từ muôn đời qua. Đường làng ngõ xóm, chùa chiền cũng do công của nhân dân xóm Trần Phú, Hồng Quang, Hoàng Văn Thụ và con em xa quê đóng góp", ông Nguyễn Đăng Xòa, Trưởng thôn Nghi Khê nói.

Cũng theo ông Xòa, Nghi Khê có 3 xóm thì cả 3 đều có nhà văn hóa, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của bà con.

Không chỉ tập trung nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bà con thôn Nghi Khê còn có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Trong năm qua, thôn đã vận động nhân dân và các tổ chức, các doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp ủng hộ bằng tiền mặt hoặc vật chất cho các cuộc vận động hỗ trợ người nghèo trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của ông Xòa, Nghi Khê có nhiều hộ thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cây rau màu mỗi năm. Thôn có 75 hộ chuyển dịch với diện tích trên 85 ha, hiệu quả của chuyển dịch hơn hẳn cấy lúa. Trên địa bàn thôn có hơn 100 hộ kinh doanh dịch vụ, có 27 xe vận tải và xe du lịch, 8 máy trộn bê tông tạo việc làm gần 200 lao động địa phương, có trên 500 lao động làm nghề mộc, nghề nề có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng; hơn 1.000 lao động làm việc ở các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất; có trên 350 lao động, du học sinh học tập hợp tác tại nước ngoài. Năm 2023, 99,33% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Thôn đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tắt mở tự động được gần 10 km đường, lắp hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa theo tiêu chí nông thôn thông minh...

Đời sống của bà con thôn Nghi Khê ngày một nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Nghi Khê xứng đáng là một vùng quê kiểu mẫu của nông thôn Hải Dương!

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Ở làng văn hóa Nghi Khê