Việc lắp đặt NVSCC không có quy hoạch đã tạo nên nghịch lý: nơi cần thì không có, mà nơi có thì khó sử dụng, có cũng như không...
Cửa nhà vệ sinh công cộng trên đường Lê Thanh Nghị luôn khóa
Để từng bước xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh và đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, năm 2009, UBND TP Hải Dương đã đầu tư xây dựng 2 điểm nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tuy nhiên, việc lắp đặt NVSCC không có quy hoạch đã tạo nên nghịch lý: nơi cần thì không có, mà nơi có thì khó sử dụng, có cũng như không.
Dạo quanh một số điểm văn hóa, thương mại, nơi có nhiều người qua lại như Quảng trường Độc Lập, sân vận động trung tâm thành phố, khu vực gần Nhà Thiếu nhi tỉnh... người dân, khách vãng lai rất khó tìm được NVSCC, người có nhu cầu đi vệ sinh không biết phải “giải quyết” ở đâu. Khu vực Quảng trường Thống Nhất là điểm chợ đêm hoạt động do không có NVSCC nên thường xuyên xảy ra tình trạng phóng uế bừa bãi, rất bức xúc.
Trên đường Thanh Niên, khu vực Công viên Bạch Đằng, có 1 NVSCC nhưng cả ngày lẫn đêm bị nhiều hàng quán bao vây, che khuất. NVSCC lại trở nên thừa và chưa phát huy được hiệu quả trên đường Lê Thanh Nghị, khu vực gần ngã tư Máy Sứ. Bác Nguyễn Văn Bân, bán hàng nước gần khu vực cho biết: "Đây là đường có nhiều xe qua lại nhưng không phải là nơi nghỉ chân của khách qua đường, cũng không phải nơi có nhiều người tham gia đi bộ, tập thể dục nên rất ít người dừng lại để đi vệ sinh. Nhưng nếu người dân, khách vãng lai có nhu cầu thì cũng buộc phải “xử lý” ở bên ngoài bởi NVSCC này thường xuyên… khóa cửa. Anh Nguyễn Văn Thành, lái xe tắc - xi đỗ ở khu vực Siêu thị Intimex Hải Dương cũng khẳng định tình trạng thường xuyên cửa đóng then cài của NVSCC này khiến những lúc có "nhu cầu" cấp bách anh phải muối mặt để tiểu tiện bên ngoài.
Thừa nhận bất cập này, Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương cho biết: Sau khi lắp đặt, xây dựng 2 NVSCC, 1 tại Công viên Bạch Đằng và 1 tại đường Lê Thanh Nghị, thành phố đã bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương quản lý. Do thành phố chưa có quy hoạch tổng thể về hệ thống NVSCC nên chưa đánh giá chính xác được nhu cầu sử dụng của người dân, số lượng ít và địa điểm chưa hợp lý. Vì vậy, quá trình khai thác hoạt động NVSCC đã bộc lộ một số bất cập, chưa hiệu quả. NVSCC lại không được dọn rửa thường xuyên trong ngày gây mất vệ sinh, khách rất ngại sử dụng.
Ông Trần Trọng Khôi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 2 NVSCC trên địa bàn thành phố cho biết: Sau khi được bàn giao quản lý 2 NVSCC, công ty đã cử nhân viên trông giữ, dọn vệ sinh hằng ngày. Tuy nhiên, do ý thức người dân còn hạn chế nên tình trạng NVSCC nhếch nhác, mất vệ sinh là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, hiện nay NVSCC vẫn hoàn toàn phục vụ miễn phí trong khi chi phí cho nhân viên trông giữ, thu dọn vệ sinh cũng như nước sạch... vẫn phải chi trả đang là khó khăn đối với đơn vị. Ông Khôi khẳng định: cả 2 NVSCC do đơn vị quản lý luôn mở cửa 24 giờ trong ngày. Tuy nhiên, ngay sau khi làm việc với ông Khôi, chúng tôi đã tới "mục sở thị" NVSCC tại đường Lê Thanh Nghị và thấy cửa đóng im ỉm đúng như lời người dân phản ánh.
Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố, tới đây TP Hải Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm 2 NVSCC để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để hạn chế những bất cập trong việc xây dựng, quản lý NVSCC, TP Hải Dương cần có quy hoạch tổng thể hoặc hoạch định chiến lược phát triển hệ thống NVSCC cho toàn thành phố. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tại các khu dân cư, nhất là ở các điểm tập trung nhiều người qua lại, các điểm văn hóa, thể thao, dịch vụ. Ngoài ra, thành phố cần có các chế tài xử phạt nghiêm với hành vi phóng uế bừa bãi, từng bước hình thành thói quen sử dụng NVSCC một cách văn minh.
HÀ VY