Nông nghiệp - Nông thôn

Thanh Hà tập trung bảo vệ quả vải

MINH NGUYÊN 06/04/2024 06:00

Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) ra hoa, đậu quả không cao. Nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ để vải đậu quả.

00:00

Bà Lê Thị Huyên ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang đang phun thuốc trừ sâu và chống bệnh sương mai cho quả vải
Bà Lê Thị Huyên ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang đang phun thuốc trừ sâu và chống bệnh sương mai cho quả vải

Canh quả từng ngày

Hơn 11 giờ trưa một ngày đầu tháng tư, bà Lê Thị Huyên ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang vẫn lọ mọ ở vườn vải, vạch từng chùm quả non kiểm tra tình hình sâu bệnh để có hướng phòng trừ kịp thời. Quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào vải sớm nên bà không quản ngại thời gian, nắng mưa khi mùa vụ đang đến gần. Vải năm nay ra quả thưa nên chăm sóc vất vả, khó khăn hơn. Bà Huyên ngày nào cũng ở vườn canh quả. "Cả năm chăm sóc, giờ được quả nào hay quả đấy, cố gắng để không bị rụng”, bà Huyên nói.

Bà Huyên đã phun thuốc phòng trừ bệnh sương mai, muội, trừ sâu đục quả. Những cành nào có lộc mọc xen thì ngắt bỏ để quả hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Thời điểm này, vải sớm đã rụng quả sinh lý lần 1, phải trải qua 2 lần rụng quả nữa mới chắc chắn được tỷ lệ đậu quả. Nhưng theo kinh nghiệm của bà Huyên, nếu trời không mưa nhiều như trước thì sản lượng sẽ ổn định cho đến khi thu hoạch, quả rụng không nhiều. Trước đây, chất đất màu mỡ, vải sớm thường ra hoa, đậu quả nhiều hơn. Tuy nhiên một số năm trở lại đây, bên cạnh biến đổi của thời tiết thì đất đai cũng ngày một cằn cỗi, có nhiều loại dịch bệnh mới trên cây vải. Nhiều vườn vải phát hiện nấm trắng trên thân, trên lá mà không thể diệt trừ được. Những cây này thường sẽ bị chặt bỏ, sau đó nông dân để đất khô, khử trùng đất và bổ sung chất dinh dưỡng, một thời gian dài mới trồng lại.

z5307459501826_a101500d5b8b8b37cd36ae0ea0280364.jpg
Thời điểm này, vải sớm đã rụng quả sinh lý lần 1. Phải trải qua 2 lần rụng quả sinh lý nữa mới chắc chắn được tỷ lệ đậu quả

Tại vùng vải thiều chính vụ khu Hà Nam rất ít cây có quả, nhưng “còn nước còn tát”, cây nào có quả là người dân khoanh vùng, chăm sóc cẩn thận. “Chưa năm nào chăm sóc vải vất vả như năm nay. Vải ít quả, có cây chỉ ra quả một góc”, chị Quách Thị Phượng ở thôn 1, xã Thanh Xá cho biết.

Theo chị Phượng, năm nay thời gian cây ra hoa đậu quả rất chậm, gấp rưỡi bình thường. Thời điểm cây chuẩn bị ra hoa thì thời tiết lạnh, không có nắng, mưa ẩm kéo dài, cây không bung được hoa. Nông dân khu Hà Nam đang tập trung phun thuốc phòng trừ bệnh sâu đo, bọ xít, sâu đục quả. Vừa trông trời, trông đất, vừa trông sâu bệnh, những công việc ấy tưởng chừng như đơn giản vào mỗi mùa vải nhưng năm nay, sự hồi hộp và trông chờ nhân lên gấp bội.

Động viên nhân dân chăm sóc kỹ diện tích vải

Vải sớm đang rụng quả tự nhiên lần 1. Theo các cơ quan chuyên môn huyện Thanh Hà, vải sẽ rụng quả sinh lý 3 lần mới ước tính được sản lượng. Trong ảnh, nông dân xã Thanh Cường đang kiểm tra tình hình sâu bệnh trên quả vải non
Nông dân xã Thanh Cường kiểm tra tình hình sâu bệnh trên quả vải non

Hiện nay, diện tích vải sớm ngày càng nhiều hơn so với vải chính vụ vì giá trị rất cao. UBND huyện Thanh Hà đã yêu cầu các xã, thị trấn có vải tích cực tuyên truyền người dân chăm sóc kỹ diện tích vải đậu quả để bảo đảm chất lượng.

Năm nay, vải u trứng trắng sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng 5, vải u trứng gai cho thu hoạch vào cuối tháng 5, trà u hồng, u thâm thu hoạch vào đầu tháng 6, tàu lai thu hoạch giữa tháng 6. Vải chính vụ cho thu hoạch vào giữa tháng 6.

Thanh Hà đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2024. Các phòng chuyên môn của huyện đang tích cực rà soát, thay thế biển quảng cáo vải thiều cũ, hỏng. Huyện dự kiến đầu tháng 5 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu Thanh Hà. Cuối tháng 5 tổ chức chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu Thanh Hà tại một số tỉnh, thành phố lớn. Năm nay, địa phương dự kiến có 106 ha vải được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và 34 ha được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

Huyện Thanh Hà hiện có 3.282 ha vải, trong đó 1.700 ha vải sớm, còn lại vải thiều chính vụ. Khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP. Địa phương có 167 mã số vùng trồng vải với diện tích 721 ha, trong đó 48 mã số xuất khẩu Trung Quốc, 39 mã số xuất khẩu Úc, 34 mã số xuất khẩu Nhật Bản, 38 mã số xuất khẩu Mỹ và 8 mã số xuất khẩu Thái Lan.

MINH NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà tập trung bảo vệ quả vải