Là vùng có truyền thống trồng cây ăn quả nên huyện Thanh Hà luôn phát huy thế mạnh này để trồng cây, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Mỗi năm gia đình bà Nông Thị Tú ở xã Thanh Cường thu lãi khoảng 70 triệu đồng từ trồng chuối
Ưu tiên trồng cây truyền thống, giá trị kinh tế cao
Từ lâu ở Thanh Hà đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả. Người dân tập trung trồng, phát triển những loại cây truyền thống và có giá trị kinh tế cao như ổi ở Liên Mạc; bưởi Thanh Hồng; chanh, quất Cẩm Chế; vải thiều ở nhiều vùng khác.
Năm nay, xã Thanh Cường đi đầu huyện Thanh Hà về số lượng cây đã trồng. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã trồng hơn 75.000 cây, nhiều nhất là chuối (khoảng 55.000 cây) do đây là cây ngắn ngày, chăm sóc không vất vả như một số loại cây khác, cho giá trị kinh tế khá.
Bà Nông Thị Tú ở thôn Vĩnh Xá cho biết năm nay gia đình bà trồng hơn 2 sào chuối. Thời tiết thuận lợi nên việc làm đất, trồng cây đều nhanh hơn so với những năm trước. Mỗi năm gia đình bà thu lãi từ 60-70 triệu đồng từ trồng chuối.
Ông Lê Quý Sự, quyền Chủ tịch UBND xã Thanh Cường cho biết người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, phụ thuộc vào trồng cây ăn quả. Nắm bắt được đặc điểm đất đai của địa phương nên thời điểm đầu mùa xuân nông dân bắt tay vào trồng cây ngay.
Ngoài cây chuối, nông dân còn trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như đu đủ, hồng xiêm, bưởi da xanh... Nhiều diện tích vải sớm già cỗi, kém hiệu quả cũng được nông dân thay thế, trồng lại. Mỗi năm, xã thu gần 80 tỷ đồng từ cây ăn quả.
Vừa qua, Công ty TNHH May Makalot đã hỗ trợ 100 cây keo, 5 cây vú sữa cho xã Thanh An. Số cây này được trồng tại sân vận động và khuôn viên UBND xã. Sau khi trồng xong, địa phương đã giao cho các hội, đoàn thể thay nhau chăm sóc, bảo vệ cây.
Bên cạnh đó, nhân dân trong xã đã trồng hàng nghìn cây ăn quả như quất, ổi, bưởi, thanh long. Ông Nguyễn Huy Đẳng ở thôn Tiên Tảo, xã Thanh An cho biết năm nào gia đình cũng phải trồng lại gần 100 cây ổi vì khoảng từ 4-5 năm cây già cỗi, năng suất thấp. Nông dân ở xã Thanh An không trồng chuyên canh một loại cây mà trồng xen canh để mang lại thu nhập cao.
Phong trào trồng cây ở Thanh Hà đã trở thành truyền thống từ nhiều năm nay. Là huyện chưa có nhiều doanh nghiệp nên Thanh Hà vẫn ưu tiên thế mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới nông nghiệp sạch.
Vượt kế hoạch cả năm
Đến nay, huyện Thanh Hà đã trồng hơn 321.000 cây các loại, tăng gấp hơn 2 lần so với kế hoạch cả năm. Đây là đơn vị dẫn đầu tỉnh về số lượng cây đã trồng tính đến nay, trong đó trồng nhiều nhất là cây ăn quả. Thời gian qua, huyện đã tích cực vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả chủ lực. Huyện chỉ đạo các đơn vị chủ động trồng bổ sung cây bóng mát tại khuôn viên trường học, trụ sở cơ quan và các tuyến đường liên xã.
Từ đầu năm, UBND các xã, thị trấn đã triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động trồng cây, nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu huyện giao. Các địa phương còn phấn đấu trong mùa xuân, mỗi người trồng ít nhất một cây xanh. Các tổ chức hội, đoàn thể được địa phương giao phụ trách từng đoạn đường để trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Ông Nguyễn Đắc Chiếm, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết địa phương khuyến khích người dân trồng cây, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong sản xuất, bộ phận phụ trách khuyến nông xã thường xuyên hướng dẫn nông dân chăm bón, không lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.
Theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới Thanh Hà sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân phát triển các vùng cây ăn quả tập trung mang lại giá trị kinh tế cao. Hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Hàng hóa cần có tem nhãn truy xuất nguồn gốc để thu hút doanh nghiệp đầu tư, thu mua, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
MINH NGUYỆT