Huyện Thanh Hà (Hải Dương) bắt đầu vào mùa thu hoạch vải năm 2024. Từ đầu mùa, huyện đã chủ động xúc tiến, tiêu thụ nhằm đẩy mạnh quảng bá vải thiều Thanh Hà đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kích cầu tiêu thụ
Năm nay sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 20.000 tấn, giảm 50% so với vụ vải năm ngoái nên dự kiến số lượng xe thu mua về không nhiều. Tuyến đường 390 từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh đi qua huyện Thanh Hà đang thi công. Vào mùa thu hoạch vải, việc vận chuyển sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, 4 xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Quang, Thanh Cường đã chủ động chuẩn bị mỗi xã 1 bãi đỗ xe để các thương lái về thu mua, không đặt các điểm thu mua ven đường như mọi năm nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã in 1.000 thư mời, 1.000 tờ rơi và 20.000 tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải. Lễ mở vườn vải sẽ được huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào đầu tháng 6. Ông Trần Văn Tâm, Trưởng Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Thanh Hà cho biết năm nay các hợp tác xã có vải ở Thanh Hà tiếp tục ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, bảo đảm ổn định về số lượng tiêu thụ.
Thế mạnh của Thanh Hà là vải thiều sớm nên năm nay địa phương sớm chủ động phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của loại vải này.
Vải sớm bán được giá, mang lại thu nhập cao cho người dân nên nhiều năm nay, diện tích vải thiều sớm cũng được mở rộng hơn so với vải thiều chính vụ. Vải thiều sớm Thanh Hà cũng được trồng và chăm sóc bảo đảm đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng tốt yêu cầu về xuất khẩu.
Ngày 9/5, huyện Thanh Hà phối hợp với Sở Công thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua từ nước ngoài. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 50 điểm cầu. Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, huyện Thanh Hà có nhiều gian hàng giới thiệu nông sản, trong đó vải tươi và vải khô là những sản phẩm đặc trưng chủ yếu. Ngoài ra, mật ong, bột sắn dây và nhiều sản phẩm OCOP khác cũng được trưng bày tại hội nghị. Năm nay, với sự phối hợp của ngành công thương, đại diện nhiều sàn thương mại điện tử như: Sendo, Postmart, CTCP Icheck… cũng có mặt tại hội nghị để trực tiếp bàn luận về phương pháp tiêu thụ, sơ chế, bảo quản, vận chuyển quả vải.
Ứng dụng công nghệ số vào quảng bá
Vải là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương được sản xuất tập trung với quy mô lớn, chất lượng. Vải thiều Thanh Hà được chăm sóc theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Nhiều năm nay, quả vải thiều Thanh Hà (gồm cả vải sớm và vải chính vụ) đã được xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Singapore…
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, huyện Thanh Hà đã tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ số vào quảng bá. Thông tin liên quan đến quả vải được tổng hợp, tạo mã QR đặt tại các hội nghị, điểm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP, khu bảo tồn cây vải tổ và nhiều điểm du lịch sinh thái khác ở địa phương. Các đoàn thể của huyện đã chủ động tổ chức tập huấn cho hội viên về chuyển đổi số, ứng dụng thành thạo các phần mềm, Facebook, Zalo… để trao đổi thông tin. Các thành viên có trách nhiệm lan truyền, quảng bá hình ảnh quả vải thiều đến bạn bè trong và ngoài nước. Cùng với đó, trang thông tin và các fanpage của huyện cũng tích cực tuyên truyền về việc chăm sóc, xúc tiến và tiêu thụ vải thiều...
Huyện Thanh Hà hiện có khoảng 500 ha vải được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP, trong đó có 450 ha vải VietGAP, 50 ha đạt tiêu chuẩn GloabalGAP. Toàn huyện tiếp tục duy trì 167 mã số vùng vải đủ điều kiện xuất khẩu (38 mã xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Úc, 34 mã xuất khẩu sang Nhật, 8 mã xuất khẩu đi Thái Lan). Duy trì 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.
MINH NGUYÊN