TP Hải Dương cần có tấm biển ghi tóm tắt về lịch sử Thành Đông để người dân hiểu hơn về nơi mình đang sống.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, Thành Đông xưa (TP Hải Dương ngày nay) được xây dựng năm Giáp Tý (1804) trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình thuộc địa phận Bình Lao trang, Hàn Giang, Hàn Thượng do trấn thủ Trần Công Hiến khởi công xây dựng với mục tiêu vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông kinh thành Thăng Long.
Thành Đông ban đầu được đắp bằng đất, có hình lục giác, mỗi góc có trạm gác, mở 4 cửa (Đông, Tây, Nam, Bắc). Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, các vua triều Nguyễn củng cố thành bằng cách gia cố thêm bốn cửa gọi là thành ngoại. Đầu năm 1873, thành bị thực dân Pháp chiếm giữ nhưng cuối năm đó chúng trả lại cho quan quân.
Năm 1883, thực dân Pháp đi đường thủy theo sông Kẻ Sặt tiến vào, quân ta phải bỏ chạy lên Mao Điền, thành lại rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1889, thực dân Pháp phá hủy Thành Đông, chỉ còn lại một vài dấu tích.
Thành Đông xưa là niềm tự hào của nhân dân TP Hải Dương song nhiều người dân địa phương cũng chỉ nghe đến tòa thành này mà không biết chính xác vị trí ở đâu, lịch sử ra sao?
Thiết nghĩ, TP Hải Dương cần nghiên cứu, xem xét làm biển bằng đá hoặc chất liệu khác bền đẹp, ghi tóm tắt lịch sử Thành Đông đặt ở nơi hợp lý, góp phần để các thế hệ, nhất là các em học sinh hiểu hơn về quê hương mình. Nếu làm được, đây sẽ là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông.
THẬP NHẤT (TP Hải Dương)