Phát huy giá trị văn hóa, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển

27/02/2023 10:35

Phát huy giá trị văn hoá xứ Đông, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị.


Tiết mục hát chèo “Tình xuân đất nước cuộc đời” do tốp hát múa nam nữ trình diễn tại chương trình nghệ thuật “Chào Xuân 2023” (ảnh tư liệu)


80 năm qua, từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đến nay, thực hiện các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ về phát triển văn hóa.

Kết quả ấn tượng

Căn cứ chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển. Nhờ đó lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo thành sức mạnh nội sinh đưa Hải Dương phát triển nhanh và bền vững.

Từ nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng con người Hải Dương phát triển toàn diện. MTTQ, các ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể tăng cường phối hợp tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động… đã tạo nên sức mạnh tập thể, đẩy mạnh phát triển văn hóa.

Sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, của đất nước được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đặc sắc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, năng lực tự quản cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng, giữ vững danh hiệu văn hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu tích cực, làm thay đổi diện mạo thôn quê; phong trào xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đã góp phần thay đổi căn bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội từ nông thôn đến thành thị. Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cả 178 xã và 12 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới; 11 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 91% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 96,9% số làng, khu dân cư văn hóa.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa

Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào trong nhân dân. Hải Dương là một trong những tỉnh sớm hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo vật quốc gia, xét tặng và tôn vinh nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đến nay, toàn tỉnh có 4 di tích và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 263 di tích cấp tỉnh, 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 8 bảo vật quốc gia, 2 nghệ nhân nhân dân và 23 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể... Tỉnh quản lý và tổ chức tốt trên 800 lễ hội tại các di tích lịch sử văn hoá, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó duy trì, khôi phục nhiều nghi lễ, diễn xướng truyền thống kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, thể thao truyền thống.

Sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí được quan tâm. Tỉnh tạo mọi điều kiện cho các hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới. Tổ chức phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có các nội dung thể hiện về con người xứ Đông – Hải Dương giàu nghị lực, ý chí, khát vọng vươn lên trong học tập, lao động, khởi nghiệp, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người bằng việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, giao lưu trong cộng đồng.

Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh cho phát triển các hoạt động du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người xứ Đông - Hải Dương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Khai thác, phát triển một số nghề, loại hình nghệ thuật, ẩm thực cổ truyền như sản xuất gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, bánh đậu xanh, bánh gai; nghệ thuật hát chèo, ca trù, trống quân, chầu văn, múa rối nước... Thông qua việc nghiên cứu phục dựng, tổ chức truyền nghề, quảng bá sản phẩm đã tạo thêm cơ hội giao lưu, mở rộng thị trường, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều người, phát triển kinh tế trong cộng đồng, tăng thu ngân sách.

Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Cấp tỉnh đã đầu tư xây dựng mới công trình Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Thư viện tỉnh; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh. Cả 12 huyện, thị xã, thành phố và 235 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 1.296 trong tổng số 1.342 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa đã phát huy công năng tổ chức các hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở

Thực hiện mục tiêu xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, các ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất, phẩm chất đạo đức, nhân cách và giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng và triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030; đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025... nhằm xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hoá, nếp sống văn minh, giáo dục truyền thống văn hiến và những nét đặc trưng của đất và người xứ Đông - Hải Dương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa xứ Đông, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là cơ chế chính sách để phát triển văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư cho văn hóa mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; hệ thống thiết chế văn hóa chưa được hoàn thiện, chưa phát huy tối đa công năng hoạt động; nhiều di tích còn đang bị xâm hại, xuống cấp; chưa gắn kết xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao…

Giải pháp trọng tâm

Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về văn hoá, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trước mắt.

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo môi trường văn hoá lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò, tác động của văn hoá trong đời sống xã hội để gắn các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa, trong đó chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống để tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Ba là, quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hoá phục vụ công tác giáo dục truyền thống xây dựng con người Hải Dương giàu tính nhân văn và hiện đại, gắn với khai thác phát triển du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế với mục tiêu mỗi điểm đến đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch hấp dẫn, ấn tượng nhằm thu hút du khách để từng bước đưa du lịch Hải Dương thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Bốn là, tăng cường công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh đi đôi với nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Năm là, chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; khuyến khích sự chủ động, sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên trẻ được phát huy trí tuệ, tài năng để tiếp tục đạt thành tích cao hơn nữa.

Phát huy giá trị văn hoá xứ Đông, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phát huy những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người xứ Đông, góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(0) Bình luận
Phát huy giá trị văn hóa, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển