Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tháng 7 về, xin hãy dành sự tri ân bằng những việc làm dù chỉ là rất nhỏ.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức Lễ dâng hương, thả hoa, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển An Thới, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong Chiến dịch Tà Lơn (tháng 1.1979) giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot
Có người ra đi và mãi không về. Có người trở về nhưng thân thể không còn nguyên vẹn. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tháng 7 về, xin hãy dành sự tri ân bằng những việc làm dù chỉ là rất nhỏ. Xin dành một phút mặc niệm cho những người đã ngã xuống ngày hôm qua. Và xin chung tay với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa cho những người đang sống hôm nay.
Không tiếc máu xương và sinh mạng cho Tổ quốc
Có thể nói rằng, lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử được viết bằng máu và nước mắt của những người yêu nước, yêu độc lập tự do, quyết không cam chịu thân phận làm nô lệ!
Viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc sáng ngời những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… ; trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông.
Và để có được những thắng lợi ấy, nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí kiên cường bất khuất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cống hiến to lớn về sức người, sức của, không tiếc máu xương và sinh mạng của mình.
Xin hãy một lần đến các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trên khắp đất nước ta, trong đó có những nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9… để cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ, trong đó nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ hoặc chưa xác định được danh tính, trên bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ không có tên”.
Trong hàng triệu gia đình liệt sĩ, có những tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ đã 12 lần tiễn người thân lên đường và không một ai trở về bởi tất cả đều đã hy sinh. Nhiều người nước ngoài đã gọi mẹ Thứ là “người phụ nữ vĩ đại”, khi được biết rằng mẹ có tới 9 người con, 2 người cháu ngoại và 1 người con rể đã hy sinh cho đất nước.
Và có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang. Có dòng nhật ký với nét chữ mới vừa viết vội. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao. Có những dự định mãi không thể hoàn thành. Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, được Tổ quốc đời đời khắc ghi.
Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chăm sóc y tế cho các thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành
Tri ân - một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Ðạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi là Ngày Thương binh-Liệt sĩ, để ghi nhớ, tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ qua, Ðảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với nước. Hệ thống pháp luật về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".
Và mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Hằng năm, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng và thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công...
Chúng ta cũng hết sức trân trọng và khâm phục những cố gắng to lớn của những thương binh, bệnh binh, gia đình người có công đã chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, vượt qua những đau thương, mất mát to lớn, chiến thắng thương tật, bệnh tật, với tinh thần "tàn nhưng không phế" hòa mình vào cuộc sống và tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước giàu đẹp. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân.
Nhưng chúng ta cũng chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước ta; nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để được hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. Hãy cũng nhau biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, giúp đỡ người có công và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào việc tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Theo TTXVN