Dành cho người yêu thơ

Thầm lặng bước chân người chiến sĩ công an

LÊ THÀNH VĂN 19/08/2024 08:36

"Chú công an" của Phạm Vân Anh là bài thơ giản dị, mộc mạc trong câu chữ. Hình ảnh gần gũi, sống động trong bài thơ đã góp phần thể hiện vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ công an.

CHÚ CÔNG AN

Vầng trăng trên trời vằng vặc
Soi đường tuần tra đêm nay
Những vì sao lấp lánh bay
Tinh nghịch đậu vai các chú.

Nhà nhà chìm vào giấc ngủ
Hoa cau dịu tỏa hương lành
Các chú thức cùng đom đóm
Qua đêm dài tới bình minh.

Ai vắng nhà quên khóa cửa
Chú nhắc giữ gìn an ninh
Xóm nào xảy ra tranh cãi
Chú đến hòa giải phân minh.

Những hộ neo đơn nghèo khó
Chú luôn thăm hỏi ân cần
Thanh niên có anh ngỗ ngược
Chú gặp, khuyên răn tận tình.

Cảnh phục tươi như sắc nắng
Quân hàm thắm đỏ màu hoa
Ai cũng cảm ơn các chú
Giữ bình yên cho mọi nhà.

PHẠM VÂN ANH

Phạm Vân Anh là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch quân đội, đồng thời cũng là dịch giả một số tác phẩm từ văn bản tiếng Anh. Sinh năm 1980 tại Hải Phòng, đến nay tác giả đã có hơn 10 đầu sách được xuất bản và nhận nhiều giải thưởng có giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức khác. Chú công an của Phạm Vân Anh được tuyển chọn, đưa vào sách Tiếng Việt lớp 5, bộ Cánh diều và sẽ bắt đầu giảng dạy trong năm học 2024 – 2025 là sự ghi nhận về những đóng góp tích cực của tác giả.

Bài thơ giản dị, mộc mạc trong câu chữ; hình ảnh gần gũi, sống động đã góp phần thể hiện vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ công an trong công cuộc xây dựng và bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Qua đó, tác phẩm cũng bồi đắp lòng yêu mến, tự hào của tuổi trẻ đối với những người đã không quản gian lao, hy sinh thầm lặng vì hạnh phúc của nhân dân.

Bài thơ Chú công an có thể chia thành ba nội dung chính. Hai khổ đầu khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên và những hình ảnh cảm động về người chiến sĩ công an. Khổ ba và bốn kể lại những việc làm hữu ích của người chiến sĩ công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khổ kết là tình cảm yêu mến và trân trọng của người dân với những chiến sĩ công an. Toàn bộ tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn thông qua giọng điệu kể chuyện, cảm xúc trữ tình sâu sắc của tác giả với người chiến sĩ công an.

Ở khổ thơ đầu, nhà thơ Phạm Vân Anh đã giới thiệu khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật thơ mộng, trữ tình và hoàn cảnh người chiến sĩ công an đi tuần tra giữa đêm khuya thanh vắng. Một vầng trăng thắp sáng giữa bầu trời đêm, những vì sao lấp lánh, tinh nghịch như bay xuống đậu hờ trên vai người chiến sĩ. Tất cả đẹp và huyền ảo như một bức tranh của người nghệ sĩ tài hoa: Vầng trăng trên trời vằng vặc/ Soi đường tuần tra đêm nay/ Những vì sao lấp lánh bay/ Tinh nghịch đậu vai các chú.

Tiếp tục mạch cảm xúc ấy, hoàn cảnh người chiến sĩ tuần tra được tác giả miêu tả cũng thật đặc biệt, bởi lúc này nhà nhà đang chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn mùi hương cau thoảng bay và những chú đom đóm thức cùng người chiến sĩ công an đi làm nhiệm vụ. Họ thức suốt đêm, từ đầu hôm cho đến bình minh hửng sáng. Những câu thơ thuần túy trần thuật sự việc nhưng lại chứa chan cảm xúc và tràn đầy niềm cảm phục, mến yêu của tác giả, nhờ đó hình ảnh người chiến sĩ công an tuần tra càng tăng thêm vẻ đẹp bội phần: Nhà nhà chìm vào giấc ngủ/ Hoa cau dịu tỏa hương lành/ Các chú thức cùng đom đóm/ Qua đêm dài tới bình minh.

Điều thú vị và tạo sức hấp dẫn đặc biệt của hai khổ thơ đầu chính là các biện pháp tu từ nghệ thuật được Phạm Vân Anh sử dụng rất tài tình, hấp dẫn. Phép nhân hóa qua hình ảnh những vì sao, những chú đom đóm bỗng trở nên diệu kì nhưng cũng gần gũi, thân thiết với tuổi thơ, nhờ đó dễ tạo sự đồng cảm. Biện pháp tu từ đối lập giữa “nhà nhà chìm vào giấc ngủ” và người chiến sĩ công an thức “qua đêm dài tới bình minh” gợi ra những hy sinh thầm lặng lớn lao vì sự bình yên của nhân dân và Tổ quốc.

Công việc khó khăn, vất vả là vậy, nhưng người chiến sĩ công an vẫn xem đó là chuyện bình thường hằng ngày của mình. Từng bước chân lặng thầm trong đêm vắng, những hành động kịp thời ngăn ngừa và triệt phá những đường dây tội phạm, bảo vệ an ninh buộc họ phải luôn thao thức canh phòng cẩn mật. Người công an xem tài sản, tính mạng nhân dân cũng như của chính bản thân mình.
Hai khổ thơ ba và bốn được tác giả Phạm Vân Anh điểm lại những việc làm ý nghĩa mang tính điển hình song cũng hết sức cụ thể, thiết thực. Từ việc người dân quên khóa cửa, chuyện tranh cãi nơi xóm làng, chuyện thanh niên ngỗ ngược cho đến những cuộc đời neo đơn, khó nhọc…, các anh đã không quên nhắc nhở, hòa giải, khuyên bảo và chia sẻ ân cần. Vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm hướng về nhân dân ấy đã thực sự đánh động tâm hồn của mỗi chúng ta, từ đó nhân dân luôn đồng hành và tri ân người chiến sĩ công an trên mỗi bước đường tuần tra vất vả: Ai vắng nhà quên khóa cửa/ Chú nhắc giữ gìn an ninh…/ Những hộ neo đơn nghèo khó/ Chú luôn thăm hỏi ân cần…

Khổ thơ cuối bài khép lại bằng hình ảnh “cảnh phục tươi như sắc nắng/ quân hàm thắm đỏ màu hoa” đã làm bừng sáng hơn vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân. Hai dòng thơ hài hòa, cân đối và bổ sung cho nhau như chính sự nghiêm trang, chỉnh tề, sẵn sàng phục lệnh là phẩm tính vốn có của người lính trong thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ở hai câu thơ kết, một lời cảm ơn sâu sắc của nhân dân dành cho người chiến sĩ công an trở thành chủ đề, cảm hứng chính cho toàn bộ tác phẩm: Ai cũng cảm ơn các chú/ Giữ bình yên cho mọi nhà.

Hình ảnh người chiến sĩ công an đã đi vào văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng qua hàng ngàn trang sách, thước phim, bức ảnh…, đồng thời mãi mãi là niềm tự hào của mỗi chúng ta. Đọc bài thơ Chú công an của Phạm Vân Anh, tình cảm ấy lại thêm một lần nở những bông hoa mến yêu, cảm phục; thêm trân trọng và tự hào về những bước chân lặng thầm của các anh trên mỗi nẻo đường của nước Việt thiêng liêng.

LÊ THÀNH VĂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầm lặng bước chân người chiến sĩ công an