Thách thức trong chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Bài 1: Sống thọ nhưng chưa khỏe

01/02/2018 18:10

Mặc dù những năm qua, tuổi thọ người dân được nâng cao nhưng nhiều người cao tuổi chưa khỏe, vẫn phải sống chung với bệnh tật...

Có trên 60% số bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng là người cao tuổi

Hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam nói chung và người Hải Dương nói riêng đã cao hơn trước rất nhiều. Song có một thực trạng dễ nhận thấy là dù sống thọ hơn nhưng nhiều người cao tuổi (NCT) không thật sự khỏe mạnh, họ phải chống chọi với nhiều loại bệnh tật, thời gian ở viện có khi còn nhiều hơn ở nhà...  

Sống chung với thuốc

Đã hơn chục năm nay, bà Nguyễn Thị C. (78 tuổi) ở đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) phải sống chung với đủ thứ bệnh, từ bệnh đường ruột đến thoái hóa khớp, phổi, rối loạn chuyển hóa... Bà C. bảo vốn tính cẩn thận nên chỉ cần nghe thấy ai nói mắc những bệnh này không được ăn uống món gì bà đều làm theo với chế độ kiêng khem rất nghiêm ngặt. Thấy ai mách ở đâu có thuốc hay thì dù là thuốc tây y hay đông y bà C. cũng đều tìm mua để dùng thử. Hằng ngày, "công việc" khiến bà C. bận rộn nhất chính là sắp xếp từng loại thuốc để uống đúng giờ, nào là thuốc theo đơn của bác sĩ, nào là các loại thuốc bổ do con ở nước ngoài gửi về. "Nhiều lần tôi đã thử ngưng điều trị, nhưng căn bệnh đường ruột tái phát, hành hạ nên đi đâu tôi cũng phải mang theo thuốc bên người", bà C. cho biết.

So với nhiều NCT khác thì bà C. vẫn còn may mắn vì vẫn được quanh quẩn ở nhà. Nhiều người già thường xuyên phải sống trong bệnh viện. Ông Nguyễn Ngọc Th. (86 tuổi) ở khu 4, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) là một ví dụ. Mắc các bệnh về huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, suy thận độ 2, ông Th. ra vào Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) như cơm bữa. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, cứ vài tháng ông lại phải nhập viện điều trị dài ngày một lần. Những ngày nằm viện, ông Th. phải tiêm 3 lần kháng sinh mỗi ngày và uống nhiều loại thuốc khác. Những ngày ở nhà, ông cũng phải đều đặn dùng thuốc để điều hòa huyết áp và trị bệnh tiểu đường.

Dù mới 61 tuổi nhưng bà Phạm Thị K. ở đường Trần Hưng Đạo, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đã có thâm niên trong điều trị bệnh tiểu đường. Trước đây, bà K. thường xuyên được các bác sĩ kê đơn phát thuốc theo tháng về nhà uống để duy trì đường huyết. Sau một thời gian dài sử dụng thuốc uống, chức năng của gan và thận của bà bị ảnh hưởng nên bác sĩ phải kê sang dạng thuốc tiêm. Ngoài ra, bà K. còn mắc thêm một vài bệnh mạn tính khác như rối loạn tiền đình, đau mỏi khớp... Vì thế mới chớm tuổi cao mà sức khỏe của bà K. đã suy giảm nhiều, phải nhờ sự hỗ trợ của nhiều loại thuốc.

Gánh nặng bệnh tật kép

Theo thống kê của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, bình quân một ngày, Khoa Khám bệnh tiếp đón khoảng gần 200 bệnh nhân, trong đó có khoảng 60% là NCT. Các bệnh mà NCT thường xuyên mắc phải gồm tiểu đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, gout, parkinson... Hiện tại bệnh viện đang quản lý 4 loại bệnh của NCT: bệnh tăng huyết áp có 850 hồ sơ, tiểu đường có 725 hồ sơ bệnh nhân, bệnh parkinson (thuộc dạng rối loạn vận động) có 76 hồ sơ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có 65 hồ sơ. Bác sĩ Lê Thị Mai, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: "Số NCT tới khám thường mắc bệnh mạn tính, chủ yếu là đa bệnh, tức là cùng lúc mắc 2-3 bệnh, thậm chí có người mắc 5-6 bệnh. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc điều trị bệnh cho NCT".

Nhiều người cao tuổi thường xuyên phải điều trị trong bệnh viện

Trong những năm qua, chất lượng cuộc sống ngày càng cao, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh, trình độ của các bác sĩ đã có những bước tiến rõ rệt, trang thiết bị y tế, điều kiện thuốc men khá tốt... Nhờ đó tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng. Nếu năm 1960, tuổi đời của người Việt trung bình chỉ đạt 40 năm thì đến nay tuổi thọ của người Việt đã tăng lên 73,4 tuổi. Nhưng tuổi thọ khỏe mạnh trung bình ở nước ta lại thấp, chỉ 64 tuổi. Tức là NCT ở nước ta có khoảng 10 năm sống trong bệnh tật, ốm đau. Theo một nghiên cứu của ngành y tế thì có đến hơn 2/3 số NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu.

Ngoài nguyên nhân do sự lão hóa của cơ thể thì một trong những nguyên nhân quan trọng khác tác động xấu đến sức khỏe của NCT chính là ảnh hưởng từ lối sống, môi trường. Chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không hợp lý sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường về sức khỏe của con người khi về già. Ví dụ như việc nạp quá nhiều chất béo, chất đạm vào cơ thể là con đường dẫn đến các bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch... Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như sử dụng nhiều đồ uống có cồn, hút thuốc lá, lười vận động... cộng thêm ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường khiến con người khi có tuổi sẽ mắc thêm nhiều bệnh.

Hải Dương hiện có khoảng hơn 252.800 NCT, chiếm gần 14% dân số. Tốc độ già hóa dân số của tỉnh cao hơn mức trung bình của cả nước 11%. Vấn đề này đặt ra thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe NCT.

THANH HOA


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức trong chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Bài 1: Sống thọ nhưng chưa khỏe