Quá trình tha hóa quyền lực có thể biến một người tốt thành kẻ xấu, từ người khiêm tốn thành kẻ ngông cuồng, từ người thanh liêm thành kẻ tham lam xa xỉ.
Cách ứng xử của một Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy khi gây tai nạn giao thông chết người ngay tại thời điểm địa phương ấy đang rúng động về vụ án xã hội đen lộng hành, hành vi man rợ của một Bí thư Đảng ủy xã "đốt xe, mượn xác" như phim hành động, câu trả lời khái quát của một cựu Trưởng Phòng Khảo thí tại phiên tòa xét xử gian lận điểm thi rằng "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật"... là những biểu hiện khác nhau về hậu quả của tha hóa quyền lực.
Vậy nên, trong những kỳ Đại hội Đảng và hoàn thiện bộ máy nhà nước các cấp, sự quan tâm chú ý của dư luận không chỉ ở việc lựa chọn người để giao "ghế" mà còn là chuyện kiểm soát người ngồi trên những chiếc ghế quyền lực ấy.
Quá trình tha hóa quyền lực có thể biến một người tốt thành kẻ xấu, từ người khiêm tốn thành kẻ ngông cuồng, từ người thanh liêm thành kẻ tham lam xa xỉ... Hậu quả không chỉ gây hại cho chính kẻ giữ quyền mà còn gây hại cho người thân, đồng chí, đồng đội, cho xã hội.
Đáng sợ nhất là sự tha hóa quyền lực lây lan như dịch bệnh. "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Thật chua xót, khi điều bình thường trở thành bất thường trong một tập thể bị tha hóa, khi họ câu kết tư lợi và che chắn cho nhau để cùng hưởng đặc quyền.
Bác Hồ đã cảnh báo: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt".
Nhìn vào các vụ án và số cán bộ các cấp bị kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể thấy rõ không ít trong số đó là những người có quá trình phấn đấu với nhiều thành tích được ghi nhận, có người được phong anh hùng, nhận nhiều bằng khen, giấy khen, trải nghiệm qua nhiều chức vụ, có người đi lên từ gian khổ, hi sinh...
Vậy mà khi được trao quyền, họ đã để cho bàn tay nhúng chàm, sai lầm và tội lỗi, thậm chí mặc nhiên thực hiện các hành vi sai phạm, tội phạm để phục vụ cho lợi ích của bản thân, bè nhóm mà không chút kiêng dè.
Cả quyền lực và lợi ích đều có sức mê hoặc, nó làm cho người ta mờ mắt, bất chấp những điều cấm kỵ, chà đạp lên luật pháp, coi thường dư luận xã hội. Khi đó, quyền lực được trao bị biến thành phương tiện để họ thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm.
Những người nắm quyền bị tha hóa, bị trượt dài trước hết là do bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị dụ dỗ, chèo kéo, mua chuộc, thậm chí bị ép buộc. Nhưng một nền công vụ thì không thể chỉ trông chờ vào sự tu dưỡng đạo đức.
Chống tha hóa quyền lực phải bằng các biện pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, thường xuyên từ cả bên trong (nội bộ cơ quan, tổ chức) và bên ngoài (xã hội).
Tại Hội nghị về công tác cán bộ và Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh mục tiêu lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài vào tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước. Đây là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong công tác cán bộ.
Nhưng để ngăn ngừa những mầm họa từ sự tha hóa quyền lực, hi vọng rằng Trung ương và các cơ quan hữu quan sớm đánh giá, xem xét lại các thiết chế kiểm soát quyền lực để bổ sung, hoàn thiện, giúp nó vận hành trơn tru.
LÊ KIÊN