Gia đình

Tết ngóng trông… người về

THỦY HIỀN 26/01/2025 15:00

Tết này có những gia đình được sum vầy nhưng cũng có nhiều nhà ngóng trông người ở phương xa. Nhưng dù ở gần hay xa nhà, Tết vẫn đong đầy yêu thương.

00:00

tet-ngong-trong-nguoi-ve-2-(1).jpg
Anh Tú trang trí nhà cửa, chuẩn bị đón chờ người thân trở về

Nhà sum vầy, người ngóng trông

Những ngày cuối năm, công việc bận rộn hơn nhưng anh Nguyễn Tuấn Tú ở xã Đồng Cẩm (Kim Thành) vẫn tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa và trang hoàng để chờ đón người thân về nhà đón Tết. Nắn chỉnh từng nhánh mai vàng, anh Tú cho biết 29 Tết này, vợ chồng anh sẽ được sum họp.

Đầu năm 2024, ngay sau lễ cưới, vợ chồng anh đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Séc. Anh trở về quê nhà cách đây 1 tháng, còn vợ anh sẽ về sau.

Những năm trước, làm việc ở nước ngoài cùng với cộng đồng người Việt nên Tết cũng có bánh chưng xanh, mứt, hạt dưa, hạt bí… nhưng không thể bằng cái Tết đầm ấm bên gia đình ở quê hương.

Anh Tú chia sẻ: “Đây là Tết đầu tiên của vợ chồng tôi ở quê nhà cùng nhau nên chúng tôi rất mong chờ. Khi vợ về đến nhà, tôi dự định sẽ cùng đi mua sắm đào, quất để có thêm không khí ngày Tết; thăm hỏi họ hàng hai bên gia đình và đi chúc Tết bạn bè. Với tôi, cái Tết bên người thân, bạn bè rất đáng được mong chờ”.

tet-ngong-trong-nguoi-ve-1-(1).jpg
Nhiều gia đình có người thân làm việc xa xứ không về đón Tết, chỉ có thể gọi điện để vơi bớt nỗi nhớ

Không khí Tết cũng đang rộn ràng trên khắp các con đường, ngõ xóm của thôn Thượng Sơn, xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ). Mọi người dọn dẹp, sửa sang nhà cửa để chào đón một năm mới sắp sang. Nhiều người gặp nhau, ngoài câu chào hỏi thăm sức khỏe, chuyện sắm Tết thì còn là câu: "Xuân này, con có về không?".

Kỳ Sơn là một trong những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động cũng như định cư ở nước ngoài đông ở huyện Tứ Kỳ. Ở đây, nhiều nhà có 2 - 3 anh em ruột và họ hàng cùng ở nước ngoài.

Ông Phan Ngọc Hà có con đang lao động ở Nhật Bản cho biết Tết cũng mong muốn con về đoàn tụ cùng gia đình nhưng vì điều kiện không về được nên vui vẻ chấp nhận.

Đã 7 năm nay, con trai ông Hà là anh Phan Sĩ Hội xa nhà. Trong khoảng thời gian này, anh Hội chỉ 2 lần về thăm gia đình, lần gần nhất vào tháng 9/2024.

Khi chuẩn bị đón giao thừa, anh Hội đều gọi điện về chúc Tết, hỏi thăm bố mẹ và chia sẻ khung cảnh đón Tết của những người Việt cùng lao động bên Nhật. "Vào dịp Tết chi phí đi lại khá cao và thời gian nghỉ cũng không được nhiều nên gia đình tôi đều hẹn nhau vào dịp khác. Ai cũng mong muốn gia đình đoàn tụ, sum vầy sau một năm làm việc miệt mài nhưng vì nhiều lý do mà phải chấp nhận. Tôi cũng mong một năm nào đó, con sẽ về đúng dịp Tết", ông Hà nói.

Những người làm ăn, học tập xa chỉ muốn được hưởng những giây phút sum vầy cùng người thân bên mâm cơm giao thừa. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện để đón Tết bên gia đình, người thân, nhất là với những lao động ở nước ngoài. Chính vì thế, có những gia đình được đầy đủ các thành viên nhưng cũng có nhà ngóng trông, chờ đợi...

Tết đong đầy yêu thương

tet-ngong-trong-nguoi-ve(1).jpg
Bà Yến tự tay chuẩn bị những gói mứt Tết và nhiều món quà quê khác để gửi các con đang sinh sống ở Đài Loan

Tết Nguyên đán là dịp để những người con xa quê hương có cơ hội về đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, cùng đón chào những điều may mắn của năm mới. Dù vậy, với những người không có điều kiện về quê thì cái Tết vẫn luôn đong đầy yêu thương.

Chỉ còn ít ngày nữa chị Nguyễn Thùy An, vợ của anh Tuấn Tú sẽ có mặt tại quê nhà Đồng Cẩm. Năm đầu tiên ăn Tết cùng gia đình chồng nên chị chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Chị chia sẻ: “Thông qua chồng, tôi đã tìm hiểu sở thích của những người thân trong gia đình. Những món quà đều do tôi tự tay chuẩn bị và gói ghém theo sở thích của từng người. Tôi muốn gửi gắm tình yêu thương đến những người thân trong gia đình và cầu mong một năm mới bình an và nhiều điều may mắn”.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết, bà Trần Thị Hải Yến ở xã Kỳ Sơn cũng tự tay vào bếp làm mứt dừa gửi sang cho các con đang ở Đài Loan.

Ngoài mứt Tết, gói hàng gửi đi còn có nhiều đặc sản của Hải Dương như bánh đậu, kẹo lạc và một vài đồ ăn khác như chẩm chéo, bột canh… Có năm, các con không về ăn Tết, bà Yến đã sang đón Tết cùng các con. Khi đi, bà mang theo lá dong, lạt, gạo… để gói bánh chưng. Với bà Yến, dù các con ăn Tết ở đâu thì những người làm cha, làm mẹ như bà vẫn lo cho con cái Tết đủ đầy và ấm cúng. Đặc biệt, khi ở nơi đất khách, các con có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương của cha mẹ và thưởng thức hương vị của quê nhà.

“Để vơi đi nỗi nhớ con, mong con được đón Tết đầy đủ, năm nào tôi cũng gửi sang một ít đồ. Dù không nhiều nhưng khi tự tay làm những thứ này tôi cảm thấy hạnh phúc, nỗi nhớ vì thế cũng vơi bớt", bà Yến chia sẻ.

Tết sum vầy, đoàn viên bên gia đình có lẽ là niềm vui trọn vẹn nhất của mỗi người con xa quê. Dù vậy, ở khắp muôn phương, những người con cũng luôn hướng về gia đình và chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc đong đầy tình yêu thương.

THỦY HIỀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết ngóng trông… người về