Gia đình

Hôn nhân rạn nứt vì chênh lệch trình độ

PV 11/04/2025 15:00

Chênh lệch trình độ trong hôn nhân dù là học vấn, nhận thức, hay cách nhìn nhận cuộc sống... đang là nguyên nhân khiến không ít cặp vợ chồng dần rạn nứt.

00:00

hon-nhan-ran-nut(1).jpg
Không tìm được tiếng nói chung với chồng, chị M. chỉ tập trung vào công việc và chăm sóc con cái

Không có "tiếng nói" chung

Tốt nghiệp đại học, sau đó lấy bằng thạc sĩ được 2 năm, chị T.T.M. ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) kết hôn với anh N.V.S. cùng huyện. Khi ấy, chị M. chỉ nghĩ tình yêu vượt qua mọi rào cản thì chênh lệch gia đình, trình độ học vấn cũng không thể làm khó được vợ chồng chị. Sau hơn 5 năm chung sống, những mâu thuẫn vì sự chênh lệch học vấn giữa vợ chồng anh chị dần phát sinh.

Hai người gặp khó khăn trong việc tìm sự đồng cảm tâm hồn. Ban đầu, chị M. có trao đổi, chia sẻ với chồng về những vướng mắc trong công việc, học hành với mong muốn nhận được lời khuyên nhưng đáp lại là sự thờ ơ của chồng. Thiếu đi sự chia sẻ, đồng cảm, vợ chồng trở nên xa cách, chị không còn tâm sự với anh những vui buồn trong cuộc sống. Sau nhiều lần không tìm được tiếng nói chung với chồng, chị M. chỉ tập trung vào công việc và chăm sóc con cái. Còn anh S. cũng rất ít tâm sự về công việc làm ăn của anh.

Chị M. chia sẻ: "Chồng tôi chỉ học hết cấp 3. Trước đây, tôi nghĩ điều này không quan trọng, chỉ cần 2 vợ chồng yêu thương nhau là đủ. Nhưng kết hôn rồi, tôi mới thấy lối sống của cả hai khác biệt. Tôi nhiều lần khuyên chồng đi học để có thêm kiến thức. Tuy nhiên, anh cho rằng không cần học hành gì vẫn làm tốt công việc kinh doanh của mình, nhiều người có học vấn cao cũng không kinh doanh giỏi như anh...

Cũng rơi vào tình cảnh hôn nhân rạn nứt như gia đình chị M., nhưng thay vì đối diện để giải quyết vấn đề thì anh T.Q.N. ở phường Hiệp Hòa (Kinh Môn) lại chọn ra nước ngoài. 2 năm làm việc ở Nhật Bản nhưng mâu thuẫn gia đình anh N. cũng chưa bớt căng thẳng.

Anh N. kể, vợ anh tốt nghiệp đại học, còn anh đang học cao đẳng nghề thì bỏ. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng cùng làm việc ở một doanh nghiệp gần nhà. Vợ anh làm hành chính văn phòng, còn anh do không có trình độ nên chỉ làm công nhân. Mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng ngày càng tăng khi vợ liên tục so sánh công việc và mức thu nhập của anh với những đồng nghiệp khác. Không ít lần trong lúc cãi vã, vợ anh có những lời lẽ miệt thị, thiếu tôn trọng dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng càng lớn.

Nghĩ về hôn nhân của mình, anh N. nhận ra bản thân cảm thấy không hạnh phúc. Mỗi buổi nói chuyện với vợ đều kết thúc bằng những lời phàn nàn, bức xúc về chồng. "Học hành dang dở nên tôi khó tìm được vị trí công việc tốt. Dù vậy, tôi luôn muốn dành điều tốt đẹp cho gia đình. Nhưng những cố gắng của tôi trong mắt vợ và gia đình vợ không được coi trọng. Càng nói chuyện, chúng tôi càng không tìm được tiếng nói chung", anh N., nói.

Cần sự cảm thông

hon-nhan-ran-nut-1-jpg(1).jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động để tăng cường gắn kết giữa các thành viên trong gia đình (ảnh minh họa)

Hầu hết các cuộc hôn nhân đều bắt đầu bằng tình yêu. Khi ấy, họ gạt ra ngoài tất cả những khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh gia đình hay trình độ học vấn... Khi đang yêu, họ ít khi nghĩ đến những chênh lệch đó. Nhưng sau nhiều năm, sự chênh lệch ấy trở thành “sát thủ thầm lặng” của hôn nhân lúc nào không biết.

Theo anh N., một trong những điều quan trọng để hôn nhân hạnh phúc là sự tôn trọng. Nếu điều này không được duy trì giữa 2 vợ chồng thì hôn nhân dễ rơi vào mâu thuẫn. "Trước khi kết hôn, chúng tôi có thời gian dài để tìm hiểu nhau. Hôn nhân hạnh phúc khi biết dung hòa giữa ưu điểm và nhược điểm, biến những mâu thuẫn to tát thành việc nhỏ. Nhưng chúng tôi không làm được điều đó", anh N. cho biết thêm.

Công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương, có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh gia đình, chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế cho biết, tình trạng rạn nứt trong hôn nhân, nhất là những gia đình trẻ ngày càng nhiều. Nguyên nhân có thể từ những mối quan hệ, công việc, kinh tế, con cái… Tuy nhiên, sự chênh lệch quá lớn về học vấn, tư duy hoặc hoàn cảnh gia đình... sẽ làm cả 2 vợ chồng gặp khó khăn trong giao tiếp, quan điểm sống và thiếu sự tôn trọng lẫn nhau.

Theo chị Nhâm, hôn nhân rạn nứt do chênh lệch trình độ, nói cách khác đó chính là vấn đề "môn đăng hộ đối". Hiểu theo nghĩa rộng là hôn nhân của 2 người muốn lâu bền thì cả 2 bên phải có xuất phát như nhau hoặc cùng phấn đấu để tương xứng với nhau. "Điều quan trọng nhất là phải tôn trọng và lắng nghe nhau", chị Nhâm nói.

Bên cạnh đó, để thu hẹp khoảng cách về trình độ thì các cặp vợ chồng cần thường xuyên bổ sung kiến thức cho nhau, người có trình độ cao có thể giúp người kia học hỏi thêm kiến thức một cách nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không chỉ trích, chê bai và thống nhất với nhau về quan điểm sống. Trong gia đình cần phân chia công việc phù hợp, hỗ trợ nhau trong cuộc sống để cả hai cùng cảm thấy thoải mái, bình đẳng. Mọi khoảng cách đều được thu hẹp lại bằng sự cảm thông và thấu hiểu. Điều này cũng giúp các gia đình trẻ tránh được những rạn nứt hôn nhân không đáng có.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hôn nhân rạn nứt vì chênh lệch trình độ