Tên thật và bút danh

11/06/2023 08:50

Tên là một ký hiệu đại diện cho mỗi con người. Ở nhiều nước, cả phương Đông lẫn phương Tây, cả xưa lẫn nay ngoài tên do cha mẹ đặt lúc sinh ra nhiều người còn có tự, hiệu hay biệt danh, bút danh và cả hỗn danh.

Tên là một ký hiệu đại diện cho mỗi con người. Ở nhiều nước, cả phương Đông lẫn phương Tây, cả xưa lẫn nay ngoài tên do cha mẹ đặt lúc sinh ra nhiều người còn có tự, hiệu hay biệt danh, bút danh và cả hỗn danh.

Nhưng tên, tự, hiệu hay bút danh, biệt danh… không chỉ là một ký hiệu đơn giản mà ngoài việc đại diện cho một người nó còn là nơi để cha mẹ, bạn bè và cả chính người đó gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Có người chưa thỏa mãn với tên cha mẹ đặt mà lập biệt danh. Người  hoạt động bí mật lập bí danh. Cũng có những biệt danh, hỗn danh nhấn mạnh một đặc điểm tính cách hay đặc điểm thân thể nào đó...

Nhà văn Nguyễn Khắc Hiếu ghép tên sông núi quê mình thành bút danh Tản Đà. Lê Hữu Trác lấy hiệu Lãn Ông là muốn nói lên một tâm nguyện. Chế Lan Viên (tên thật là Phan Ngọc Hoan) chọn họ của ông vua Chiêm Thành lừng lẫy Chế Bồng Nga làm họ cho bút danh mình. Đào Nguyên Minh, nhà thơ Trung Hoa được bạn bè cùng thời gọi là Ngũ liễu tiên sinh vì bên cạnh nhà ông có 5 cây liễu. Ít người biết tên thật của Lỗ Tấn là Chu Thiện Nhân. Và nhà văn Trung Quốc được giải Nô-ben văn học 2012 Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp. Với bút danh này ông ngụ ý tự khuyên mình nói ít ,viết nhiều.

Vào đầu những năm 70, sinh hoạt ở Hội Văn nghệ Hà Nội, tôi đã quen và đọc nhiều thơ Ánh Biếc. Nhưng cố nhà thơ này chỉ thực sự nổi tiếng và trở nên quen biết với bạn đọc từ chùm thơ được giải thưởng Báo Văn nghệ năm 1972 với tên khai sinh là Hoàng Nhuận Cầm. Song sự tươi trẻ  của ánh biếc thuở sinh viên như vẫn cứ còn ánh lên trên những trang bản thảo chép tay anh gửi đến Tạp chí Nhà văn sau này. Đó là những trang bản thảo viết tay, chữ  nắn nót tròn trịa, hơi bay bướm và luôn được “trang trí" những hình vẽ  chim bướm hoa lá ngộ nghĩnh bằng những nét chì mầu xanh, đỏ, tím, vàng.

Cũng trong những năm ấy tôi còn được đọc thơ các anh Trần Bình Minh và Nguyễn Vũ Trụ. Bút danh của các anh thật “hoành tráng” và hàm chứa khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Nhưng sau này, khi đã nổi tiếng các anh lại ký bằng những cái tên rất giản dị Trần Nhuận Minh và Nguyễn Vũ Tiềm.

Trộm nghĩ, cái tên thuở sơ sinh cha mẹ đặt cho ta đã như là bản mệnh của ta, gắn bó với ta suốt cuộc đời. Lại trộm nghĩ, những gì mình làm ra muốn ghi dấu nó thì cứ ghi tên thật có lẽ sẽ tốt hơn tự nhiên hơn chăng? Cái tên làm nên cuộc đời ta mà có khi không biết chừng nó lại quy định cả cuộc đời ta.

Tuổi trẻ thích hoa mỹ, tôi cũng lấy bút danh cho mình là Xuân Sơn. Ngọn núi mùa xuân, thật lãng mạn! Mà cái bút danh ấy tôi cũng đã ký dưới nhiều bài thơ thậm chí có bài còn được dịch ra tiếng Anh in trong một tập sách dày giới thiệu văn hóa và thắng cảnh Hà Nội. Nhưng nó vẫn lẫn vào giữa bao bút danh có chữ Xuân khác nổi tiếng hơn. Nó chưa phải là tôi nên không giúp độc giả nhận ra tôi. Như duyên kỳ ngộ, đầu năm 1974 tôi gặp cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở vùng giải phóng Quảng Đà trên chiến trường Khu V bên một bìa rừng. Gần một năm trước đó tôi vừa được Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ giới thiệu một chùm thơ và sau đó là một bài thơ dài in trên Báo Cờ Giải phóng, dưới ký Xuân Sơn. Nguyễn Khắc Phục nói mới đọc thơ tôi nhưng giễu cái bút danh một cách thậm tệ. Tính Phục vốn thẳng thắn và cách nói năng khá mạnh mẽ khiến tôi có phần xấu hổ. Phục bảo tôi phải lấy lại ngay tên thật của mình. Nghe anh, từ đấy tôi bỏ bút danh Xuân Sơn và ký tên thật của mình dưới các sáng tác. Và thật kỳ lạ, từ đấy hình như con đường văn học của tôi cũng sáng hơn. Tôi kể chuyện mình không phải để làm gì mà chỉ muốn nói nhiều khi thay đổi  một cái tên có thể thay đổi cả một vận mạng.

Nhưng cũng không thể nói đơn giản một chiều là dùng tên thật thì thành công hơn dùng bút danh được. Điều này còn tùy mỗi người. Ví dụ như với nhà thơ Thanh Thảo. Nhiều người yêu thơ, tìm hiểu thơ Thanh Thảo nhưng lại ít ai biết tên thật anh là Hồ Thành Công. Bài thơ và tập thơ đầu của Hồ Thành Công với bút danh Thanh Thảo được giải thưởng và giúp anh nổi tiếng là tập “Dấu chân qua trảng cỏ”. Như Chu Văn Sơn phân tích “lấy Thanh Thảo làm bút danh của mình, ngoài các nguyên do này khác, hẳn anh phải có niềm thiết tha đến ám ảnh dành cho cỏ". Còn xét về chữ nghĩa, Hồ Thành Công là cái tên bình thường ngược lại Thanh Thảo lại rất đẹp và ấn tượng! Rồi cả Quản Mô Nghiệp mới đây nữa. Ông được Nô-ben văn học với bút danh Mạc Ngôn đấy chứ.

Hồi còn ở Đà Nẵng tôi nhiều lần ngồi uống cà phê và nghe thơ với Tần Hoài Dạ Vũ. Anh tên thật là Hoàng Văn Bổn, hơn tôi hai tuổi, người Đại Lộc, miền bán sơn địa Quảng Nam. Nhà thơ Trinh Đường cũng quê huyện này. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ tài hoa và khá hiện đại. Nhưng cả thơ và cuộc đời anh, nhất là sau năm 1975 cũng buồn như đêm mưa trong bút danh ấy.

Cũng có trường hợp bút danh của một người khiến ta buồn cười. Ví dụ, theo sách của Quan Kim Hoa, một nhà văn Trung Quốc lấy bút danh là Hà Thủ Ô, tên một vị thuốc. Có nhà báo tự gọi mình là Lộ Trần (Bụi đường). Lại có nữ sĩ ký Hải Lục Không cứ như bà si mê các binh chủng hải lục không quân trong quân đội ấy. Không biết còn tên lửa, tăng thiết giáp  thì sao?

Hồi tôi mới ra Hà Nội có nhà văn kể tôi nghe chuyện vui này chả biết thật hay đùa. Một cây bút nữ trẻ Hải Hưng về Thủ đô gặp nhà thơ Xuân Quỳnh. Sau một hồi đọc thơ và tâm sự, cây bút trẻ kia hồn nhiên hỏi Xuân Quỳnh với giọng rất thật thà:

 - Chị ơi em muốn lấy bút danh là Đồng bằng Bắc bộ được không ạ ?

Với bản tính thông minh, hóm hỉnh và rất hay đùa Xuân Quỳnh nói ngay:

 - Ấy chết, em lấy bút danh Đồng bằng Bắc bộ cho nó bón phân bón gio lên đầy mình à?

 Nói rồi cả hai chị em cùng cười hết cỡ!

NGUYỄN TRÁC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tên thật và bút danh