Tên lửa Ariane 6 cất cánh từ Sân bay Vũ trụ châu Âu ở Kourou, vùng Guiana thuộc Pháp, lúc 2h01 hôm nay (giờ Hà Nội).
Vụ phóng thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo và giúp châu Âu khôi phục khả năng phóng độc lập. Những nỗ lực của châu Âu trong lĩnh vực vũ trụ đã vấp phải nhiều khó khăn, bao gồm 4 năm trì hoãn phóng Ariane 6 và việc mất khả năng tự phóng tàu vào không gian trong năm qua.
"Đây là một ngày lịch sử với châu Âu", Josef Aschbacher, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nhận xét về chuyến bay đầu tiên của tên lửa mạnh nhất châu Âu từ trước đến nay.
Ariane 6 mang theo 9 vệ tinh nhỏ, nhiều bộ thí nghiệm và hai khoang tàu hồi quyển. Tất cả vệ tinh đều được triển khai thành công ở độ cao 600 km sau khi tên lửa cất cánh khoảng 65 phút. Tuy nhiên, hai khoang tàu được phóng với mục đích kiểm tra khả năng sống sót sau hành trình "rực lửa" xuyên qua khí quyển, đã không thể thực hiện bài kiểm tra của chúng. Nguyên nhân là tầng trên của Ariane 6 đã không hoàn thành quá trình khai hỏa để thiết lập công đoạn triển khai cuối cùng.
Nhiệm vụ cũng gặp một trục trặc khác khi Ariane 6 đi chệch khỏi đường bay vào lúc cuối, không thể thực hiện kế hoạch quay trở lại khí quyển Trái Đất và hạ cánh xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này không khiến những người đứng đầu nhiệm vụ xuống tinh thần vì mục tiêu chính của họ vẫn là đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
"Chúng tôi đang đi hoàn toàn đúng hướng để thực hiện vụ phóng thứ hai trong năm nay, năm 2024, cho Bộ Quốc phòng Pháp và thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Điều này không ảnh hưởng đến những vụ phóng sắp tới", Stephane Israel, CEO của Arianespace, cho biết.
Tên lửa hai tầng Ariane 6 do công ty Pháp ArianeGroup chế tạo và được vận hành bởi công ty con Arianespace thay mặt cho ESA. Tên lửa có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất 36.000 km, hoặc xây dựng các mạng lưới vệ tinh cách mặt đất vài trăm km.
Tầng đầu tiên của Ariane 6 hoạt động nhờ một động cơ Vulcain 2.1 duy nhất - phiên bản cải tiến của động cơ Vulcain 2 trong tên lửa Ariane 5. Tầng thứ hai trang bị một động cơ Vinci mới. Ariane 6 có hai phiên bản: A62 với sức chở khoảng 10,3 tấn và A64 với sức chở 21,6 tấn lên quỹ đạo Trái Đất thấp.
T.H (theo VnExpress)