Gần 400 người di cư Cơ quan cứu hộ trên biển của Tây Ban Nha cho biết, ngày 13/7, lực lượng này đã giải cứu được tổng cộng 141 người di cư ở khu vực biển giữa Tây Ban Nha và Maroc.
Người di cư được lực lượng bảo vệ bờ biển cứu
Cơ quan cứu hộ trên biển của Tây Ban Nha cho biết, ngày 13.7, lực lượng này đã giải cứu được tổng cộng 141 người di cư (từ vùng Nam sa mạc Sahara) ở khu vực biển giữa Tây Ban Nha và Maroc.
Hai con tàu chở 86 người, trong đó một tàu đã bắt đầu chìm, được cứu trên biển Albora - khu vực biển Địa Trung Hải nằm giữa Tây Ban Nha và Maroc.
Thậm chí, một số người đã ở dưới nước khi các nhân viên cứu hộ đến, tuy nhiên tất cả đã được cứu, trong đó có 14 phụ nữ và 3 trẻ em.
Xa hơn về phía Tây, tại eo biển Gibraltar, các tàu cứu hộ đã cứu được 3 người đàn ông trên một chiếc xuồng và 52 người khác, trong đó có 14 phụ nữ, trên một chiếc xuồng cao su.
Theo các số liệu mới nhất từ Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), công bố ngày 10.7, khoảng 11.000 người di cư đã đến Tây Ban Nha bằng đường biển kể từ đầu năm 2019 và 203 người đã thiệt mạng khi nỗ lực vượt biển từ Bắc Phi.
Cũng trong khoảng thời gian này ở Địa Trung Hải, 682 người thiệt mạng hoặc mất tích khi nỗ lực vượt biển từ Bắc Phi, trong khi 31.600 người đã tới châu Âu.
Cũng trong ngày 13.7, Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã cứu được 53 người di cư bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển thành phố Sabratha, cách thủ đô Tripoli 60km về phía Tây.
Một thông báo của Bộ an ninh cảng và bờ biển Libya cho biết :"Một tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển cứu 53 người di cư bất hợp pháp trên một xuồng cao su ngoài khơi bờ biển Sabratha".
Những người di cư được cứu đã được cung cấp hỗ trợ y tế và nhân đạo và đưa đến trung tâm tiếp nhận.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 13.7 kêu gọi chấm dứt việc giam giữ người di cư bất hợp pháp tại Libya sau khi họ được cứu trên biển.
Do tình trạng mất an ninh và hỗn loạn sau cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya trở thành điểm xuất phát ưa thích của hàng nghin người di cư bất hợp pháp muốn vượt Địa Trung Hải đến các bờ biển châu Âu.
Trong khi đó, Hải quân Maroc ngày 13.7 đã cứu 161 người di cư trên Địa Trung Hải khi số người này đang tìm cách đến Tây Ban Nha.
Những người di cư phần lớn đến từ các nước Nam sa mạc Sahara đang tìm cách vượt eo biển Gibraltar trên những chiếc tàu nhỏ đang mắc kẹt trên Địa Trung Hải. Những người này đã nhận được chăm sóc y tế cần thiết từ các đơn vị hải quân Maroc, và đã được đưa tới các cảng của Maroc ở Địa Trung Hải.
Maroc đã trở thành trung tâm cho người di cư châu Phi tìm cách đến châu Âu. Hàng nghìn người di cư tìm cách trốn chạy nghèo đói và bất ổn tại châu Phi mỗi năm qua Maroc đến châu Âu.
Theo TTXVN