Ngày nay, mỗi khi nghe danh từ riêng “Tây Bắc”, như một phản xạ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến một vùng văn hoá với loài hoa ban bình dị như cuộc sống nghìn đời của người dân sơn cước.
Tục cúng rừng (gạ ma thú) của tộc người Hà Nhì ở Tây Bắc
Nơi đây có những điệu xoè hoa khiến khách đường xa chỉ ngắm thôi đã nghe lòng như ướp men say; đi cùng với đó là những thiên tình sử “Xống chụ xon xao”, “Lhá pa dí” hoặc khúc bi ca “Tiếng hát làm dâu” với bao nhiêu nỗi niềm trĩu nặng lòng ta...
Đa dạng
Quả thực nếu ví Tây Bắc như một “ngôi nhà chung” với “mái nhà” là đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 mét, thì trong “ngôi nhà” ấy có một nền văn hoá dân gian đa dạng, đặc sắc và vô tận. “Tầng 1” ngôi nhà (vùng thấp) là nơi cộng cư chính của các dân tộc Thái, Lào, Lự, Kháng... với gương mặt tiêu biểu về bản sắc là dân tộc Thái. Trong khi đó “tầng 2” ngôi nhà (vùng cao) là nơi cư trú lâu đời của các dân tộc Mông, Dao, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Khơ Mú... với gương mặt văn hoá đại diện là dân tộc Mông. Thật không hề đơn giản chút nào khi nói về văn hoá của cả một vùng rộng lớn, với mấy chục sắc tộc vừa đơn lẻ vừa thống nhất. Tuy nhiên, những gì được coi là đặc thù cũng đủ để chúng ta nhận diện tính chất của “Vùng văn hóa hoa ban”.
Nghi thức “hiến sinh” trong lễ cúng bản của bà con dân tộc Thái
Ông Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên) dân tộc Thái đen, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Chi hội phó Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Điện Biên, lý giải: Cuộc sống tạo nên các sắc thái văn hoá và đến lượt mình, văn hoá làm cho cuộc sống phong phú hơn, lãng mạn hơn và cũng ý nghĩa hơn. Còn gì lạ lùng cho bằng và kể cũng là “khó tìm hiếm gặp”, khi ta chứng kiến một người Kháng thản nhiên ngửa cổ uống nước bằng... mũi (ta mui). Đã thế, không phải uống loại nước bình thường mà là nước măng chua ngâm với tỏi sống giã nát, rau thơm nghiền nát, đổ vào quả bầu nậm, rồi cứ thế cho chảy vào mũi, trong khi miệng vẫn chén ngon lành các món khác. Cũng tộc người này có sở trường chế tạo thuyền độc mộc hình đuôi én, dáng đã đẹp lại bơi rất nhanh. Đến mức người anh em Thái vốn là những cư dân cũng rất thạo nghề sông nước, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận: “Thuyền tốt không ai bằng thuyền Kháng”. Trong văn hoá vật thể, người La Ha nổi tiếng với “bộ sưu tập” trống đồng cổ. Đồng bào quan niệm tiếng trống đồng chính là “ngôn ngữ đặc biệt”, giúp con người trần tục có thể tấu bày điều này điều kia lên các đấng thần linh.
Uống rượu ăn thề - một tập quán có từ xa xưa của bà con người Lào, tỉnh Điện Biên
Độc đáo
Nhiều dân tộc Tây Bắc có lễ “Mừng măng mọc” (trong lễ cúng rừng), nhưng riêng người La Ha còn thể hiện sự độc đáo qua vũ điệu phồn thực giàu biểu cảm, trong âm thanh rộn rã của đàn ống, với những thiếu nữ chân nhún nhảy, miệng cười ngon như đọt măng vừa nhú. Trong số 21 dân tộc của nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, dân tộc Mảng không chỉ độc đáo bởi tục xăm cằm ở phụ nữ, mà còn rất đặc trưng qua “đơn vị đo lường” của mình. Muốn đo chiều dài họ theo cách tính “con dao quăng” hoặc “khăn khô - khăn ướt”, đo trọng lượng tính theo “bỏng đuê”, mỗi “bỏng đuê” tương đương 20kg. Nếu tính số lượng (phép đếm số học), đồng bào áp dụng hình thức mỗi đơn vị ứng với một hòn sỏi. Nghe nói trước kia, thời chữ quốc ngữ chưa phát triển trong cộng đồng người Mảng, nhiều vùng bà con chỉ có số đếm tối đa đến hàng triệu (triều me). Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến có dân tộc tục gọi “Lá vàng”, với câu nói: “Núi cao bao nhiêu cũng nằm dưới bàn chân của người La Hủ”. Vẫn biết đấy chỉ là câu nói vô tư cửa miệng chứ không định “lập ngôn” để đời gì, nhưng nó hàm chứa khí phách của tộc người “Lá vàng” tận nơi thượng nguồn sông Đà trên biên giới Việt - Trung, đó là 6 bản vùng bắc Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện nay.
Thuyền độc mộc - phương tiện cơ động và hữu dụng trên sông Đà
Theo ông Lò Ngọc Duyên, Trưởng ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cũng nằm trong nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, có dân tộc Si La với nhiều nét văn hoá độc đáo đến mức kỳ lạ, rất đáng được các nhà nghiên cứu quan tâm với những công trình chuyên sâu. Trước hết, đó là tô tem về truyền thuyết giống nòi, khiến tất cả các dòng họ người Si La đều kiêng ăn thịt mèo. Điều đặc biệt trong tục lệ tang ma của dân tộc Si La thể hiện ở chỗ mỗi khi có người chết, gia đình lại tổ chức vui chơi, ca hát thay vì than khóc não nề. Người Si La theo đạo Phật và ở đây, triết lý “sinh ký tử quy” cho phép người sống hân hoan ca hát mỗi khi tiễn thân nhân mình “về” với tổ tiên. Xưa kia hầu hết đàn ông Si La nhuộm răng màu đỏ, đàn bà nhuộm răng màu đen, nhưng rất tiếc ngày nay tập quán này không còn được duy trì trong cộng đồng người Si La.
Trải qua quá trình hỗn dung và tiếp biến hàng trăm, hàng nghìn năm trên vùng nhiệt đới gió mùa Tây Bắc, phải nói không ít nền văn hoá tộc người đã và đang nhạt nhoà trước nền văn hoá từ các tộc người khác. Một trong những nền văn hoá có khả năng tạo ảnh hưởng nhiều nhất, đó là văn hoá Thái với rất nhiều trường ca, truyền thuyết, các điệu múa mà tiêu biểu là múa xoè. Chính hệ thống mương - phai - lái - lịn đã đưa dân tộc Thái lên hàng xuất sắc nhất trong số những tộc người của “nền văn minh nông nghiệp vùng cao”. Để mô tả cuộc chinh phục vô cùng vinh quang nhưng cũng rất nhiều nỗi cay đắng của tổ tiên, người Thái có truyện thơ “Táy pú xớc” được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tại khu vực Nậm Pó (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), hiện còn con suối nước trong vắt, róc rách trong dòng chảy là câu chuyện kể về nàng Han như một “Gianđa Thái” tắm tiên. Đó là một “thần vệ nữ” đánh giặc tài và cũng yêu như sẵn sàng đốt cháy mình lên. Các cụ già trong vùng quả quyết đêm giao thừa nào nàng Han cũng hiện về tắm ở chỗ cũ, vẫn với tấm thân trinh bạch, ngọc ngà như muôn nghìn năm trước!
Để viết về bản sắc văn hoá của một vùng đất mênh mông, đa sắc tộc, thiết nghĩ cứ kể phải cần đến cả một kho sách với nhiều bậc thức giả góp sức. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi không dám có tham vọng gì ngoài ý muốn gợi lại một vài chi tiết sơ sài. Chỉ độc hệ thống ruộng bậc thang của người Mông, cũng đủ để trở thành di sản văn hoá vật chất tộc người. Điều đó chứng tỏ văn hoá dân gian như trầm tích, nhiều tầng, lắm lớp, cái ta biết chỉ là một chút bề nổi mà thôi...
TRƯƠNG HỮU THIÊM