Chiều 19/1, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tài sản là nhà, công trình xây dựng trên đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Dự buổi làm việc có một số đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong bồi thường, hỗ trợ tài sản là nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tập trung bàn giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Hiệu lưu ý việc thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất khi thu hồi đất với các trường hợp công trình vi phạm cần được phân theo từng nhóm, trường hợp cụ thể để tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các công trình không vi phạm thì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Việc thu hồi đất cần tuyên truyền kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm người dân được hưởng chính sách cao nhất theo quy định của pháp luật. Việc nghiên cứu, ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ tài sản là nhà, công trình xây dựng trên đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương cần đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nêu một số vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tài sản khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, nhất là những vướng mắc về hỗ trợ tài sản xây dựng trên đất nông nghiệp, đất không được bồi thường (nhà, công trình của người dân có vi phạm). Đa số các huyện, thành phố, thị xã chưa đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ cho việc giao đất tái định cư cho người có đất bị thu hồi mà phải tái định cư.
Đồng chí Lưu Văn Bản cho biết dù còn có vướng mắc, điểm nghẽn nhưng công tác giải phóng mặt bằng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt nhiều kết quả nổi bật; dự báo năm 2024 sẽ thực hiện tốt hơn nữa.
Trước những vướng mắc hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó quy định cụ thể đối với nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ tài sản, công trình gắn liền với đất thu hồi và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành quy định hoặc hướng dẫn về cơ chế, chính sách, điều kiện sử dụng số tiền ngân sách cấp cho Quỹ phát triển đất để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh, các sở, ngành, các cấp có liên quan sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm lợi ích của người có đất thu hồi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có tổng số 211 dự án, công trình thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong đó, 134 dự án đã thực hiện thu hồi đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng, 77 dự án, công trình đang triển khai giải phóng mặt bằng. Huyện Nam Sách có số dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhiều nhất với 44 dự án.