Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, phù hợp chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.
Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giữahai xã Kênh Giang và Văn Đức năm 2019, đội ngũ cán bộ phường Văn Đức (TP Chí Linh) nhanh chóng bắt nhịp công việc. Ảnh tư liệu
Trong giai đoạn 2019-2021, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được thực hiện trên quy mô cả nước và mang lại những hiệu quả rõ rệt. Tại Hải Dương, đã sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã, đưa tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh giảm từ 265 xuống còn 235 đơn vị. Qua đó đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách, mở rộng không gian phát triển và phát huy tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương trong tỉnh. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những nơi thực hiện sắp xếp được kiện toàn và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định...
Đến nay, qua rà soát, toàn tỉnh Hải Dương vẫn còn một số đơn vị hành chính cấp xã chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định phải sắp xếp, sáp nhập. Dự kiến giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, giai đoạn 2026-2030 có 66 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp (bao gồm cả 25 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021).
Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, tác động trực tiếp đến nhiều cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân. Thực tế giai đoạn 2019-2021, việc sắp xếp tuy đạt nhiều hiệu quả nhưng vẫn còn một số hạn chế trong công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư; việc giải quyết, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 30.11.2024; giai đoạn 2026-2030 hoàn thành trước ngày 30.11.2029.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong giai đoạn 2019-2021, để việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 đạt hiệu quả cao, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương trong giai đoạn 2023-2030 theo quy định. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác nắm bắt dư luận để tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện sắp xếp. Quá trình tổ chức triển khai, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các đơn vị, địa phương cần có nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục bất cập đã được phát hiện từ giai đoạn 2019-2021. Các địa phương sớm xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Hoàn thiện cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc sắp xếp, nhất là việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với công chức, viên chức, người lao động.
TRƯƠNG HÀ