Tăng tuổi nghỉ hưu: Tuổi thọ cao chắc gì sức khỏe đã tốt?

13/09/2019 17:19

Nhiều bạn đọc cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là vào thời điểm hiện nay vì trong bối cảnh nhà nước đang giảm biên chế quyết liệt để sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 7 (khóa XII) diễn ra tại Hà Nội mới đây, khi đề cập đến vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ: "Hiện nay xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận NLĐ lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc".

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tuổi thọ cao chắc gì sức khỏe đã tốt? - Ảnh 1.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất

Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất (hiện nay, nhiều DN tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35 -45 tuổi) do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc.  Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Từ thực tế này, ông Hiểu cho rằng mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn". Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.

Góc nhìn này của ông Hiểu nhận được sự phản hồi tích cực của bạn đọc của báo Người lao động. Bạn đọc Nguyễn Hữu Bảo, bày tỏ: "Không nên tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là vào thời điểm hiện nay vì trong bối cảnh nhà nước hô hào giảm biên chế quyết liệt để sắp xếp tinh gọn bộ máy và theo thống kê một lượng khá lớn sinh viên và người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Tôi đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu".

 Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Cao cho rằng, việc tăng tuổi hưu, giờ làm có thể lợi bất cập hại. Lớn tuổi mà sức khỏe kém (do dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều kiện làm việc hiện nay còn thấp) thì hiệu quả công việc thấp. Trong khi ấy, khả năng tạo việc làm mới chưa khởi sắc thì lực lượng lao động trẻ có trình độ năng lực, sức khỏe tốt và nhiệt huyết sẽ không có cơ hội hay nói cách khác là thất nghiệp. Vậy hậu quả là nạn thất nghiệp ở lực lượng lao động trẻ tăng dẫn đến nhiều hệ lụy về an sinh và trật tự xã hội. Đồng thời năng suất lao động thấp sẽ làm chậm hoặc thậm chí làm thụt lùi nền kinh tế. "Chung ta hãy cẩn trọng! Giải pháp hiện nay nên chăng kiểm soát tốt thu chi quỹ BHXH và kiểm soát dân số- bạn đọc Lê Cao viết.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tuổi thọ cao chắc gì sức khỏe đã tốt? - Ảnh 2.
Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, công nhân trực tiếp sản xuất sẽ ồ ạt nghỉ chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi

Một bạn đọc có nickname Ktkloan@Yahoo.com.vn, thì viết:  Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, công nhân trực tiếp sản xuất sẽ ồ ạt nghỉ chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi và nếu không đủ điều kiện nhận lương hưu thì sẽ nghỉ hưởng chế độ một lần vậy chính sách hưu trí có còn là chính sách an sinh xã hội đúng đắn nữa hay không?. 

Trong khi đó, bạn đọc Quách Minh Chung đặt vấn đề: "Tuổi thọ người Việt Nam ngày càng cao ư? Thử hỏi NLĐ xem có ai làm được đến 60 tuổi không. Có người nghỉ hưu đi làm thêm nhưng làm ở đây là làm được chăng hay chớ, thích thì làm, không thích thì nghỉ khác với chưa nghỉ hưu chứ". Bạn đọc có nick Nld, thì góp ý:" Dân số mình nằm trong tốp lao động vàng . Đâu có giá hóa dân số đầu mà tăng tuổi hưu dụng bắt chước nước ngoài. Tùy theo sức lao động mà tăng tuổi hưu?"

Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Hoale, kiến nghị: "Từ lúc bắt đầu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đến nay, tôi thấy đa số người NLĐ đều không đồng tình, tại sao cứ nhắc mãi. Thay vì tranh cãi việc nghỉ hưu, tôi thấy để thời gian Quốc hội bàn bạc làm cách nào giải quyết nạn thất nghiệp, giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường".

Không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn

Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. "Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định"- ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tuổi nghỉ hưu: Tuổi thọ cao chắc gì sức khỏe đã tốt?