Những năm qua, Hải Dương đã từng bước thực hiện các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại vươn dần tới phát triển xanh - sinh thái - bền vững.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Hải Dương cần quan tâm công tác quy hoạch, bảo đảm đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... Trong ảnh: Công viên Bạch Đằng (TP Hải Dương) là "lá phổi" xanh của người dân thành phố
Với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, những năm gần đây, Hải Dương đã có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chiến lược hành động xanh
Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25.9.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thực hiện chiến lược của Chính phủ, những năm qua Hải Dương đã từng bước thực hiện các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại hướng dần tới phát triển xanh - sinh thái - bền vững. Tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế xanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Riêng trong phát triển công nghiệp, tỷ trọng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản giảm dần, tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, công nghiệp hỗ trợ tăng cao.
Để khắc phục ô nhiễm môi trường trong các khu đô thị, tỉnh đã chỉ đạo di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành, nội thị. Tập trung quy hoạch, xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung, nâng cao dịch vụ cấp nước sạch. Đến nay, 100% số khu công nghiệp trong tỉnh đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tất cả các hộ dân đã được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 95%.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư mới đã lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu theo hướng tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước, tăng diện tích các khu công cộng, thể thao, vui chơi giải trí, các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu… Tỉnh cũng đã đầu tư kinh phí, kêu gọi tài trợ nhằm cải tạo hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn TP Hải Dương nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm các tiêu chí của đô thị loại I.
Dù có nhiều tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh cùng với các điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh nhưng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị tại Hải Dương thời gian qua cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh đang là yêu cầu cấp bách để Hải Dương phát triển bền vững trong tương lai.
Thu hút doanh nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng để Hải Dương hướng tới một nền kinh tế xanh. Trong ảnh: Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đi đầu về lĩnh vực công nghệ cao ở Hải Dương
Hướng tới kinh tế xanh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ chất lượng cao; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Một trong những giải pháp phát triển kinh tế xanh là đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ, bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống. Bảo đảm đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh...
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Hải Dương là lập quy hoạch chung đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Chú trọng quy hoạch xây dựng các khu không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh. Bảo tồn cảnh quan, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa hướng tới xây dựng các cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Hải Dương phấn đấu mật độ cây xanh toàn đô thị đạt 12,5 m2/người, khu vực nội thị đạt 6 m2/người. Các đô thị phải bảo đảm đầy đủ các thiết chế văn hóa, xã hội và công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bền vững được quản trị thông minh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%, năm2030 đạt trên 60%. Trong đó, có lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Thanh Hải, trong phát triển công nghiệp, Hải Dương sẽ ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các dự án sản xuất có công nghệ cao, công nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Dừng chấp thuận đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nước thải nhằm cải tạo môi trường. Tất cả các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 100% số doanh nghiệp thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường…
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Hải Dương cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, an sinh xã hội... Hải Dương cũng cần xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý đô thị các cấp về tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu vì con người mới là nhân tố quan trọng nhất để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
VỊ THỦY
Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường
VŨ NGỌC LONG Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Xây dựng đô thị xanh, thông minh là xu thế tất yếu TRẦN HỒ ĐĂNG Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương Cần xanh hóa sản xuất, thu hút đầu tư LÊ XUÂN HIỀN Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư |