Nông nghiệp tạo đột phá tăng trưởng xanh

02/01/2023 16:12

Hải Dương đang hướng tới nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Đây là thay đổi lớn của ngành nông nghiệp Hải Dương trong những năm gần đây.


Các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch được mở rộng đã giúp tăng niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh: Trần Hiền

Xanh hóa 

Từ lâu, vùng triều trũng rộng lớn ven sông Thái Bình đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở xã An Thanh (Tứ Kỳ). Từ việc bảo vệ các điều kiện tự nhiên để khai thác con rươi, con cáy, đến nay vùng bãi rươi rộng 137 ha này đã được chứng nhận các sản phẩm sản xuất phù hợp Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Đây là vùng sản xuất hữu cơ đầu tiên và duy nhất tính đến nay của Hải Dương được công nhận tiêu chuẩn này. Vùng nông nghiệp hữu cơ cho thấy hiệu quả khai thác đa tầng, đa giá trị. Dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, mặt ruộng cấy lúa hữu cơ, trên bờ trồng rau ăn lá, rau gia vị, cây ăn quả. Giá trị sản xuất ước đạt 500-700 triệu đồng/ha, cao hơn các vùng sản xuất nông nghiệp ở nơi khác.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới ở thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, “cha đẻ” của thương hiệu “Gạo bãi rươi hữu cơ” chia sẻ: “Rươi là sinh vật đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa chất, nó chỉ sống được với đất và nước sạch. Lúa và rươi cộng sinh trong một môi trường sống, gốc lúa mang lại môi trường thích hợp cho rươi sinh trưởng, ngược lại rươi bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho lúa phát triển. Tất cả tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Việc thay đổi tư duy sang nông nghiệp không hóa chất đã giúp bảo vệ môi trường tự nhiên một cách bền vững”.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, trải qua nhiều thăng trầm, ông Đào Hữu Thuân ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cũng nhận thấy “nông nghiệp xanh - tiêu dùng sạch” là xu hướng phát triển bền vững. Cùng với thay đổi tư duy, ông Thuân bắt tay vào việc chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng VietGAP.

Đến nay, ông Thuân đã xây dựng được trang trại có tổng diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà. Phương thức chăn nuôi thay đổi, chế độ dinh dưỡng theo độ tuổi, cùng việc bổ sung vitamin, khoáng chất hợp lý nên chất lượng trứng được nâng lên đáng kể. Gà ít bệnh, chi phí chăn nuôi giảm nhiều so với trước. Với 5 vạn con gà đẻ, mỗi ngày, ông Thuân thu khoảng 4 vạn quả trứng. Sản phẩm chất lượng cao nên được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với giá ổn định. Năm 2020, sản phẩm trứng gà Cẩm Đông được chứng nhận OCOP 3 sao. 

Nhiều tiềm năng

Hải Dương là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Nền nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn tăng trưởng xanh với chuyển đổi số. 

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng. Ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch được mở rộng, nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch được gắn tem truy xuất nguồn gốc đã giúp tăng niềm tin cho người tiêu dùng. 

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh nhưng chưa khai thác hết thế mạnh trong lĩnh vực này. Nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Tỉnh cũng chưa có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Để khai thác tối đa giá trị nông nghiệp, địa phương cần phải xây dựng sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh trở thành thương hiệu; việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Ngoài ra, cần phải lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, liên kết để xây dựng sản phẩm chất lượng cùng với vùng nguyên liệu rộng lớn. Từ đó, tận dụng lợi thế có sẵn để phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp, đa giá trị.  

Bắt kịp xu thế của thời đại, nông nghiệp Hải Dương sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ ở những năm tiếp theo. Các địa phương cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất. Chăn nuôi chuyển từ quy mô nhỏ, phân tán sang trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao…

Toàn tỉnh hiện có 15.500 ha rau màu sản xuất theo quy trình GAP, hơn 5.000 ha rau trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, 1.500 ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGAP; hơn 421 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu là trồng lúa trên diện tích khai thác rươi, cáy tự nhiên. Đặc biệt, những năm gần đây, Hải Dương đã khẳng định được thương hiệu, vị thế của một số mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế như vải thiều Thanh Hà, củ cà rốt…

HOA HIỀN 

(0) Bình luận
Nông nghiệp tạo đột phá tăng trưởng xanh