Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hiện lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1/7/2022.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Như vậy, thu nhập chỉ đáp ứng gần 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện, nước tăng cao.
Tại phiên họp về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đầu tháng 8, phía công đoàn đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Tuy nhiên, các bên chưa thống nhất được mức và thời điểm tăng, nên lùi đến tháng 11 bàn tiếp.
Về lộ trình cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu tiến hành từ 1/7/2021. Hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện.
Tại hội nghị giao ban công tác Bộ Nội vụ đầu tháng 9, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các đơn vị trong tháng này hoàn thành báo cáo về lộ trình cải cách tiền lương để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "4 kiên quyết", trước hết là không lùi bước trước khó khăn. Hai là các cơ quan kiên quyết "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Ba là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cuối cùng các đơn vị tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân.
Bộ Tài chính thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Các khoản thu phải được kiểm soát chặt và "triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm khoản chi không cần thiết".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định quy hoạch các dự án cao tốc theo phương thức PPP như Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và đảm bảo an ninh lương thực; phấn đấu gỡ thẻ vàng EU trong tháng 10.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có giải pháp thu hút khách quốc tế và sớm trình cấp có thẩm quyền chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Theo VnExpress