Việc cấp và quản lý mã vùng trồng nội địa sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm.
Việc cấp mã số vùng trồng sẽ giúp quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng với nông sản
Nếu như trước đây, việc cấp mã vùng trồng cho nông sản thường chỉ được chú trọng ở những nơi phục vụ xuất khẩu thì giờ đây nhiều vùng nông sản tiêu thụ nội địa cũng chú ý đến tiêu chí này.
Cánh đồng rau màu rộng 5 ha của HTX Green Farm ở thôn Trác Châu, xã An Thượng (TP Hải Dương) là một trong những địa chỉ cung cấp nông sản cho chuỗi cửa hàng Winmart ở khu vực miền Bắc. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp khoảng 20 tấn rau củ vào chuỗi cửa hàng này. Rau củ được trồng theo mùa và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình trồng khắt khe, chất lượng nông sản bảo đảm nhưng vùng trồng này hiện vẫn chưa được cấp mã, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng chưa thực hiện thường xuyên.
Anh Vũ Việt Hà, Giám đốc HTX Green Farm cho biết: “Khi cung cấp rau vào hệ thống siêu thị, chúng tôi có làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất chưa hoàn thiện nên việc truy xuất cũng chưa rõ ràng, đầy đủ. Đơn vị đang đề nghị được cấp mã vùng trồng để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và hoàn thiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều kiện cần thiết để chứng thực nguồn gốc nông sản”.
Vùng trồng cải bắp rộng 9 ha ở thôn Gia Bùi, xã Gia Khánh (Gia Lộc) đã được cấp chứng nhận VietGAP từ năm 2020. Mặc dù là một trong những vùng chuyên canh rau màu lớn, chất lượng vượt trội hơn các vùng khác nhưng việc tiêu thụ nông sản ở đây vẫn bấp bênh. Một số doanh nghiệp có liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm nhưng sản lượng ít, giá không cao, phần lớn cải bắp vẫn bán trôi nổi trên thị trường. Địa phương đang hướng tới mục tiêu cấp mã số vùng trồng cho diện tích này. Việc cấp mã vùng trồng sẽ là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cải bắp của xã Gia Khánh, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời cũng là một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương này.
Trước đây, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu và phải tuân theo các yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, tháng 8.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định kèm theo hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng thuộc lĩnh vực trồng trọt. Có thể hiểu, đây là mã số vùng trồng nội địa và chỉ để phục vụ thị trường trong nước. Để xây dựng mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ quy trình chăm sóc và quản lý cây trồng rõ ràng; chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và ghi chép cụ thể…
Ông Hồ Việt Hoàn, Giám đốc HTX Hoàng Nam Phát ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) khẳng định, không chỉ phục vụ xuất khẩu mà chất lượng nông sản trong nước ngày càng phải nâng cao để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Việc cấp và quản lý mã vùng trồng nội địa sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản cho từng đơn vị.
HTX Hoàng Nam Phát hiện có 300 ha đất sản xuất ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 100 tấn rau ra thị trường, trong đó khoảng 50% xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Nhật Bản… còn lại tiêu thụ trong nước. Diện tích lớn, sản lượng nhiều nhưng hiện HTX này chưa có vùng nào được cấp mã số. HTX đang làm thủ tục đề nghị cấp mã tất cả các vùng trồng để vừa phục vụ xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước.
.
HTX Hoàng Nam Phát đang xây dựng kế hoạch để đề nghị cấp mã số cho tất cả các vùng trồng rau màu của đơn vị
Để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số hoàn thiện hồ sơ, cập nhật thông tin đề nghị cấp mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cấp mã số vùng trồng nội địa là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện của các xã khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, các địa phương cần xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh để đầu tư, xây dựng vùng canh tác đáp ứng các tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý mã số vùng trồng... Như vậy, việc cấp mã vùng trồng mới thực sự phát huy hiệu quả.
TRẦN HIỀN