Đây là một nhiệm vụ nêu trong Chương trình hành động số 47-Ctr/DĐHĐND ngày 15.11 của Đảng đoàn HĐND tỉnh Hải Dương thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra chiều 29.10 (ảnh tư liệu)
Đổi mới phương thức hoạt động của HĐND tỉnh
Chương trình nêu ra 5 mục đích, yêu cầu và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của HĐND tỉnh.
Theo Chương trình hành động này, Đảng đoàn HĐND tỉnh sẽ lãnh đạo thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương của HĐND tỉnh; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn và hằng năm của tỉnh. Chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh tăng cường hiệu quả phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc chuẩn bị các nội dung và tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục đổi mới quy trình tiếp cận, phương pháp thẩm tra các nghị quyết của HĐND tỉnh; tăng cường tham vấn ý kiến nhân dân và các tổ chức, cá nhân chịu tác động của các nghị quyết quy phạm pháp luật trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh.
Chương trình hành động nêu rõ: Một số vấn đề lớn cần tập trung thể chế hóa bằng nghị quyết thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 – 2026 như chủ động phòng chống dịch với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” và tập trung khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ…
Có thể họp trực tuyến
Đảng đoàn HĐND tỉnh xác định việc đổi mới, đẩy mạnh hoạt động giám sát là khâu trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Hoạt động giám sát phải bám sát vào nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nghị quyết của HĐND tỉnh. Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Các nội dung giám sát cần được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện, bám sát vào thực tiễn, tập trung vào các vấn đề được dư luận, cử tri, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm gắn với việc ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Qua giám sát phải xác định rõ trách nhiệm, vai trò của từng cơ quan, cá nhân trong triển khai thực hiện và chế tài xử lý sau giám sát. Đổi mới hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, kỳ họp HĐND theo hướng đi đến cùng của vấn đề nhằm giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ra. Chú trọng giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đảng đoàn HĐND tỉnh nhấn mạnh công tác lãnh đạo tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh. Cải tiến cách thức điều hành kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian thảo luận, giải trình, nhất là tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết tại kỳ họp; tăng cường tổ chức các kỳ họp chuyên đề để phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ngoài hình thức tổ chức kỳ họp trực tiếp, có thể tổ chức các kỳ họp trực tuyến. Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
PV