Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi...
Xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) là một trong những cơ sở đầu tiên của tỉnh bị dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Phun tiêu độc, khử trùng trang trại bị dịch tả lợn châu Phi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), coi đây là nhiệm vụ cấp bách, tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người chăn nuôi hiểu được mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP. Các Huyện uỷ, Thành uỷ có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh từ cơ sở với tinh thần chủ động, tích cực; yêu cầu các hộ khi có lợn ốm, chết bất thường phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Tập trung mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP; chuẩn bị điều kiện tốt để khôi phục chăn nuôi lợn sau khi bệnh dịch được khống chế; tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân...
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh; kêu gọi tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để chống dịch...
Từ khi huyện Cẩm Giàng công bố bệnh DTLCP ở hộ đầu tiên đến nay đã 60 ngày nhưng vẫn chưa có xã nào công bố hết dịch. Do virus DTLCP thể độc lực cao tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến việc tái đàn, huyện Cẩm Giàng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thông báo đến các hộ chăn nuôi không tái đàn chăn nuôi lợn khi chưa công bố hết dịch. Chỉ được tái đàn khi địa phương đó đã công bố hết dịch 30 ngày và số lượng tái đàn bằng 10% số lợn đã nuôi ban đầu.
Hiện Cẩm Giàng có 2 xã là Cẩm Điền, Đức Chính đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới.
PV - LS