Tâm huyết với OCOP

09/10/2020 16:06

Những sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương được xếp hạng cao trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" có sự đóng góp thầm lặng của những cán bộ tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ.


Những cán bộ, nhân viên hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ OCOP tới tận nơi làm nhiệm vụ

Cứ mỗi đợt khảo sát sản phẩm OCOP tại Hải Dương thì ngày mới của anh Nguyễn Mạnh Thắng, giảng viên Trường Đại học Lâm nông (Đại học Thái Nguyên) bắt đầu từ 4 giờ sáng. Di chuyển quãng đường dài từ Thái Nguyên về Hải Dương để hỗ trợ về pháp lý cho chủ thể OCOP nhưng trong cả ngày làm việc anh Thắng thường không xác định thời gian nghỉ. Theo chân anh tới cơ sở sản xuất của các chủ thể mới thấy hết được cường độ làm việc của anh. Theo anh Thắng, OCOP là chương trình vừa mang ý nghĩa tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp, vừa là bệ đỡ để nông sản có vị trí vững chắc trên thị trường. Do đó, các điều kiện OCOP rất khắt khe. Ngoài 5 yêu cầu bắt buộc, sản phẩm phải bảo đảm 21 tiêu chí khác thì mới mong có được thứ hạng cao. Tuy nhiên, hầu hết các chủ thể, nhất là các hộ cá thể ít quan tâm tới giấy tờ, thủ tục nên tư vấn rất vất vả. "Có hộ đăng ký tham gia OCOP song không hiểu hết về OCOP, các thủ tục để chứng minh sản phẩm. Vì thế, chúng tôi mất nhiều thời gian để hướng dẫn, giải thích. Sự hăng hái, nhiệt tình tiếp thu của các chủ thể nhiều khi khiến đội ngũ tư vấn quên ăn, quên ngủ hết lòng vì công việc", anh Thắng nói.

Được giao nhiệm vụ phụ trách những vấn đề liên quan tới OCOP của thị xã Kinh Môn, chị Trần Thị Phượng, chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã luôn bận rộn, thường xuyên có mặt ở cơ sở. Là địa phương có nhiều chủ thể tham gia OCOP nên công việc của chị cũng nặng hơn. Ngoài hỗ trợ đơn vị tư vấn của tỉnh khảo sát thực tế, chị phải sắp xếp thời gian tới từng chủ thể, đánh giá tiến độ làm hồ sơ để báo cáo kịp thời. Chị Phượng cho biết OCOP là chương trình bài bản, đòi hỏi thủ tục pháp lý chặt chẽ trong khi nhiều chủ thể không thành thạo về công nghệ thông tin. Do đó, ngoài tư vấn, chị còn phải trực tiếp làm một số giấy tờ cho chủ thể là hộ cá thể, HTX.

Sau khi tham dự lớp tập huấn về OCOP, ông Nguyễn Kim Thích ở phường An Sinh (Kinh Môn) rất tâm đắc và mong muốn sản phẩm mật ong rừng của gia đình có mặt ở "sân chơi" này. Tuy vậy, ông không có nhiều giấy tờ gì để chứng minh sản phẩm làm ra. Tưởng chừng như phải dừng chân ở vòng khảo sát song được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, nhân viên trong tổ giúp việc OCOP, sản phẩm của ông Thích đã được lựa chọn để cạnh tranh với 52 sản phẩm khác trong tỉnh vào tháng 11 tới. 

Năm nay, ngoài tổ giúp việc gồm 13 thành viên của Chi cục Phát triển nông thôn và nhân viên phụ trách cấp huyện thì còn có 8 chuyên gia tư vấn của Trường Đại học Lâm nông (Đại học Thái Nguyên) hỗ trợ các chủ thể OCOP. Ngoài giúp đỡ chủ thể chuẩn bị tài liệu, hoàn thiện hồ sơ, các chuyên gia còn tư vấn cho chủ thể các cách để có thể lấy điểm cao từ Hội đồng Đánh giá xếp hạng OCOP tỉnh. Mối liên hệ giữa chủ thể với các cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn rất chặt chẽ để hồ sơ dự thi bảo đảm chất lượng, tiến độ. Theo chị Đào Thị Tuyết Mai, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, những cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ làm việc rất tâm huyết, nghiêm túc. Ai cũng coi kết quả xếp hạng sao của sản phẩm được phụ trách cũng là thành quả lao động của bản thân nên luôn hết mình vì công việc.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm huyết với OCOP