Ngày 29.2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do COVID-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở hàng chục. Nhưng đến ngày 24.3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng vọt lên hơn 46.000 ca.
Các thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chung JTF2, gồm cả Vệ binh quốc gia Mỹ, đến tham gia công tác khử trùng tại New Rochelle, New York ngày 23.3 - Ảnh: Reuters
Còn số ca tử vong đã lên tới hơn 580 ca. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có ca nhiễm và Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.
Đông dân khiến dịch lan nhanh
Những diễn biến trên cho thấy có điều gì đó bất thường đã xảy ra ở Mỹ, dù nước này nằm cách tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc khoảng nửa vòng Trái đất.
Các quan chức y tế Mỹ đánh giá tình trạng thiếu các biện pháp mạnh tay và việc nhiều người dân phớt lờ các chỉ đạo về "duy trì khoảng cách xã hội" thời gian qua có thể đã khiến số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế quốc gia.
Trong khi đó, báo New York Times dẫn lời chuyên gia chỉ ra "kẻ thù" lớn khiến dịch lây lan nhanh ở một số thành phố của Mỹ chính là mật độ dân số cao.
Chẳng hạn New York đông đúc hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Mỹ, với khoảng 28.000 dân/2,5km2, còn San Francisco đứng kế tiếp với khoảng 17.000 dân/2,5km2.
Ở những không gian nhỏ bé như vậy, virus dễ lây lan thông qua các chuyến tàu điện ngầm đông nghẹt, những tòa chung cư, các khu vui chơi... Một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy có sự tương đồng giữa New York và Vũ Hán xét về mật độ dân số.
4 vấn đề gây cản trở
Liên quan tới nhà chức trách Mỹ, theo Hãng tin AP, các quan chức y tế liên bang và giới quan sát đã chỉ ra 4 vấn đề chính gây cản trở phản ứng quốc gia với dịch COVID-19, gồm: quyết định lúc đầu của Mỹ về việc không dùng cách xét nghiệm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, những thiếu sót trong cách xét nghiệm phức tạp hơn được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát triển, chỉ đạo của Chính phủ Mỹ hạn chế số người được xét nghiệm và sự trì hoãn trong việc phối hợp với khu vực tư nhân để tăng năng lực xét nghiệm.
Cùng với những thông điệp kiểu "nói giảm nói tránh" về mối đe dọa của COVID-19 từ Nhà Trắng, nhà chức trách Mỹ đã tạo ra một phản ứng chậm chạp, bỏ lỡ cơ hội để làm giảm sự lây lan của dịch.
"Đã có thật nhiều cơ hội để chúng ta không phải rơi vào cảnh như bây giờ" - ông Ashish K. Jha, giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại Đại học Harvard, đánh giá.
Diễn tiến phụ thuộc hành động của mỗi người
Giờ đây cứ 3 người Mỹ thì có 1 người phải ở lại trong nhà để ngăn lây lan dịch, khi nhà chức trách Mỹ bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp chống dịch. Thống đốc của ít nhất 16 bang đã ban lệnh yêu cầu người dân ở lại trong nhà.
"Tình hình tệ hơn trong tuần này và sẽ tệ hơn nữa trong tuần tới. Diễn biến xấu ra sao sẽ tùy thuộc những hành động mà mỗi người chúng ta thực hiện hôm nay" - Đài CNN ngày 24.3 dẫn lời bác sĩ Leana Wen, giáo sư tại Đại học George Washington, nhận định.
Theo Tuổi trẻ