Đời sống

Tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi?

T.H (theo VTC News) 10/02/2024 15:02

Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” và nhiều gia đình đến nay vẫn thực hiện, vậy phong tục đó có ý nghĩa gì?

Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với hy vọng quét hết xui xẻo, điều không may ra khỏi nhà và đón lấy may mắn trong ngày đầu năm (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với hy vọng quét hết xui xẻo, điều không may ra khỏi nhà và đón lấy may mắn trong ngày đầu năm

Món hàng được mua vào đầu năm được coi là để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn là thực dụng. Đi lễ chùa, lễ đền đầu năm, nhiều người được mời mua gói muối nhưng không thực sự hiểu tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.

Ý nghĩa tục "đầu năm mua muối"

Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 Tết với hàm ý cầu cả năm đậm đà, ý vị. Còn trong ngày cuối năm, người xưa hay mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi, hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

Tập tục đầu năm mua muối của người Việt Nam đã được truyền qua nhiều thế hệ. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người ta sẽ mua muối mang về nhà, đây gọi là "muối lộc" để đón nhận may mắn và cầu mong một năm mới đủ đầy, ấm no.

Theo người xưa, muối là một thứ mặn, có tác dụng trừ tà khí, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, muối còn có ý nghĩa trong tình cảm, mang đến sự mặn mà, gắn kết cho các thành viên trong gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Tục mua muối đầu năm còn là cách cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Ý nghĩa tục ‘cuối năm mua vôi’

"Cuối năm mua vôi" là để xây nhà, trang hoàng cho nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa để đón chào một năm mới tràn đầy hy vọng. Vôi trát nhà còn là để xóa bỏ những vết tích của năm cũ, sửa chữa những sai lầm, khôi phục những thất bát đã qua.

Bên cạnh đó, cuối năm mua vôi còn là để tiếp vôi cho "ông bình vôi", vật dụng dùng để ăn trầu của các cụ ngày xưa. Tuy nhiên, người ta chỉ bổ sung ông bình vôi vào cuối năm, tránh thêm vôi vào đầu năm vì sợ "bạc như vôi".

Những việc nên làm ngày đầu năm mới

Dưới đây là những việc người Việt thường làm trong ngày đầu năm mới:

- Thắp hương, viếng chùa, cầu may mắn: Những ngày đầu năm, nhiều người đến chùa thắp hương, cầu bình an, may mắn về sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống,...

- Ăn những món ăn mang lại nhiều may mắn: Các món ăn có màu đỏ được cho là sẽ mang lại những điều may mắn, cả tháng rực rỡ, thành công, "đầu xuôi đuôi lọt", xôi gấc chính là lựa chọn phổ biến. Ngoài ra, việc ăn thịt gà vào đầu tháng cũng là cách để xua đuổi tà ma, mang lại nhiều may mắn và tài lộc.

- Mua những vật phẩm phong thủy theo mệnh: Dân gian cho rằng những người mang mệnh Mộc nên mang theo muối bên mình trong ngày đầu tháng, vì muối trắng thu hút tài lộc, xua đuổi điềm gở, thuận lợi trong việc làm ăn, kinh doanh. Người mệnh Kim nên mang theo đất để thu hút của cải và may mắn.

Người mệnh Thủy dùng trang sức bằng bạc; người mệnh Hỏa nên mang theo gỗ trong người, mệnh Thổ nên mang lửa theo người như bao diêm, hộp quẹt... để tăng vận khí, hút tài lộc, có được vận may trong sự nghiệp, tình duyên và sức khỏe.

- Chúc Tết và lì xì đầu năm: Việc con cháu chúc Tết đầu năm là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt, phong tục người lớn tuổi lì xì cho người nhỏ tuổi cũng thay một lời chúc.

T.H (theo VTC News)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi?