Dân gian vẫn lưu truyền một số điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo nhằm đảm bảo sự thành tâm, kính cẩn, mong các Táo nói lời hay ý đẹp khi báo cáo Ngọc hoàng.
Theo quan niệm dân gian, 23 tháng Chạp là ngày lễ cúng ông Công ông Táo để gia chủ tỏ lòng biết ơn sự che chở của các vị thần này, đồng thời để tiễn Táo quân lên thiên đình, báo cáo với Ngọc hoàng những việc tốt, xấu trong nhà suốt năm qua.
Những kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo
Dân gian nhắc nhau không phạm phải những kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo để đảm bảo lễ cúng được diễn ra đúng chuẩn. Cuộc sống hiện đại làm xuất hiện một số điều kiêng kỵ mới nhằm bảo đảm ý nghĩa của nghi lễ, chẳng hạn nghi lễ phóng sinh cá chép sau khi cúng Táo quân.
Dưới đây là những điều cần tránh:
Cúng ông Công ông Táo quá sớm
Theo các chuyên gia phong thủy, không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Gia đình nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức ngày 30 tháng 1 Dương lịch) đến ngày 23 tháng Chạp.
12 giờ ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều, Táo nào lên muộn thì không tham gia được.
Theo truyền thống, gia chủ không nên bao sái, rút tỉa chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Phải cúng ông Công ông Táo xong mới nên làm việc này.
Đặt mâm lễ tùy tiện
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ chính bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà, không cúng ở trong bếp.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Cúng tiền âm phủ
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ không nên đốt tiền âm phủ vì làm như vậy hoàn toàn sai về ý nghĩa. Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Trong dịp này, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt cho ông Công ông Táo, tin rằng nếu dâng mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều tiền vàng thì sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Thật ra, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không đem lại lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Ném cá chép từ trên cao xuống
Việc phóng sinh cá mang ý nghĩa nhân văn, nhưng chỉ khi nó được thực hiện đúng cách để cá có thể sống và khỏe mạnh say khi được thả. Nếu không quan tâm đến chuyện sống còn của chúng, đưa chúng ra môi trường ô nhiễm hoặc thả cá một cách thô bạo thì nghi lễ này không còn ý nghĩa, thậm chí còn là tội lỗi.
Khi thả, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc bạn đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Cần thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống, hoặc thả cá bừa bãi ra những nguồn nước bẩn.
Ngoài những kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo, bạn cần lưu ý:
- Người trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ, phải ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn…
- Trong lúc khấn, phải giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.
H.A (theo VTC News)