Xây dựng Đảng

"Tai, mắt" của Đảng ở cơ sở: Bài cuối - Không ngại khó, không ngại va chạm

MẠNH QUYẾT 01/08/2024 11:00

Hải Dương được Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố có hệ thống các Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động chất lượng, hiệu quả.

00:00

IMG_1406 2
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Bùi Trọng Mai, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện (thứ hai từ trái sang) luôn mềm mỏng, khéo léo với nhân dân nhưng cũng không ngại va chạm, cương quyết tố cáo những sai phạm

Bản lĩnh

Đặc thù công việc của thành viên các Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng là "soi" những hạn chế để kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết. Bởi vậy, việc họ phải đối diện với những rào cản, khó khăn, thậm chí là cám dỗ là khó tránh khỏi.

Trong quá trình hàng chục năm công tác, ông Bùi Trọng Mai, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đã phát hiện một số đơn vị thi công sử dụng gạch non, sắt thép xây dựng một số hạng mục ở trường học không đúng thiết kế. Ông Mai kể: "Có lần họ định lấp liếm, muốn biếu xén để được bỏ qua nhưng tôi từ chối thẳng. Nhận tiền của họ là không xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Sau khi công trình hoàn thành kém chất lượng, con cháu mình sau này phải chịu thiệt".

Khoảng 3 năm trước, một người em họ của ông Mai ở thôn An Dương tự ý lấp một phần ao đấu thầu của xã để xây dựng công trình sinh hoạt. Gạt mối quan hệ họ hàng sang một bên, ông kiên quyết lập biên bản, báo cáo lãnh đạo địa phương xử lý. Em họ lúc đầu phản ứng nhưng ông Mai kiên trì giải thích nên cuối cùng người này cũng hiểu và chấp hành.

Năm 2021, thị trấn Tứ Kỳ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường tỉnh 391. Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân phát hiện đơn vị thi công sử dụng mác bê tông không bảo đảm, chưa đổ đủ độ dày 15 cm. Dù những người thi công đều là chỗ thân quen, họ hàng nhưng các thành viên của ban đã lập biên bản, đề nghị phải làm lại theo đúng cam kết. Năm 2018-2019, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện chất lượng xi măng xây nhà lớp học Trường THCS thị trấn không bảo đảm. Đơn vị thi công đặt vấn đề "bồi dưỡng" để được bỏ qua nhưng các thành viên từ chối, yêu cầu khắc phục.

img_1417.jpg
Lực lượng thanh tra nhân dân xã Định Sơn (Cẩm Giàng) thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền

Ban Thanh tra nhân dân xã Định Sơn (Cẩm Giàng) từng phát hiện một số hộ ở thôn Bằng Quân tự ý dùng đất lấp một phần diện tích giếng làng, ao giao khoán để sử dụng vào mục đích riêng. Tuy nhiên, do ngại va chạm nên cán bộ thôn chưa vào cuộc giải quyết thoả đáng, để tồn tại kéo dài. Ông Vũ Văn Cảnh, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Định Sơn đã mạnh dạn nêu những hạn chế này tại nhiều cuộc họp, đồng thời kiến nghị lên Đảng uỷ, UBND xã xử lý. "Đến nay, lãnh đạo đã cử cán bộ chuyên môn lập biên bản giải quyết. Mình thẳng thắn với nhau vì lợi ích chung, vì sự ổn định ở cơ sở và góp ý trên tinh thần xây dựng, có lý, có tình nên không có gì phải e ngại", ông Cảnh nói.

Thầm lặng

img_1392.jpg
Ông Nguyễn Như Hải, Phó Bí thư Chi bộ khu La Tỉnh Bắc, thành viên Ban Thanh tra nhân dân thị trấn Tứ Kỳ cùng lãnh đạo UBND, MTTQ địa phương kiểm tra một số đoạn vỉa hè đường tỉnh 391 vừa hoàn thành nâng cấp

Một chiều tháng 7 trời mưa tầm tã, sấm sét giăng đầy trời. Thế nhưng ông Nguyễn Như Hải, Phó Bí thư Chi bộ khu La Tỉnh Bắc, thành viên Ban Thanh tra nhân dân thị trấn Tứ Kỳ vẫn đi kiểm tra tình hình ngập úng ở một số tuyến đường. "Tôi thấy một số hộ dân mang đất về đắp lên nắp bê tông phía trên rãnh thoát nước để trồng rau. Đất theo mưa trôi xuống kẽ hở ở cạnh nắp cống có nguy cơ gây ngập lụt. Tôi phải đi kiểm tra để nếu có thì kiến nghị giải quyết ngay", ông Hải thông tin.

Năm ngoái, 4 thôn ở xã Hồng Đức (Ninh Giang) đồng loạt nâng cấp đường nông thôn. Để bảo đảm tiến độ, đơn vị thi công làm cả buổi tối. Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng không quản ngại thời tiết nắng nóng, lúc nào cũng thường trực tại công trường để giám sát. "Công việc diễn ra liên tục nên lắm hôm các bác ấy chẳng ăn tối, giám sát đến tận 21 giờ mới nghỉ. Công việc vất vả, thầm lặng, không có tiền công đâu nhưng không thấy các bác kêu ca nửa lời", Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Đức Phạm Văn Khơi kể.

IMG_3549 2
Các tuyến đường nông thôn ở xã Hồng Đức được cải tạo đẹp đẽ, chất lượng như hôm nay nhờ có sự giám sát liên tục của lực lượng thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng trong suốt quá trình thi công

Chúng tôi nhận thấy nhiều thành viên các Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài tham gia công việc, được nhân dân tín nhiệm. Họ vẫn tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Càng xúc động hơn khi được biết từ trước tới nay, ngoài được cấp kinh phí vài triệu đồng mỗi năm để duy trì hoạt động chung của Ban Thanh tra nhân dân thì thành viên các ban này không có phụ cấp. Trưởng Ban Thanh tra nhân dân từng được hưởng phụ cấp nay cũng không có. Họ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng không ngại khó, thiệt thòi, âm thầm cống hiến cho quê hương.

Ban Thanh tra nhân dân 235 xã, phường, thị trấn ở Hải Dương có hơn 2.000 thành viên. Trong số này có trên 33,5% là đảng viên, 7,31% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 7,11% có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, 10,33% có trình độ trung cấp, 39,25% có trình độ THPT, còn lại là trình độ THCS. Theo báo cáo đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động các Ban Thanh tra nhân dân của Ủy ban MTTQ tỉnh, toàn tỉnh có 86% số Ban Thanh tra nhân dân có chất lượng hoạt động tốt, 11,9% hoạt động khá, chỉ 2,1% hoạt động trung bình.

MẠNH QUYẾT
(0) Bình luận
"Tai, mắt" của Đảng ở cơ sở: Bài cuối - Không ngại khó, không ngại va chạm