Ban Thanh tra nhân dân cấp xã là kênh phát huy quyền giám sát, làm chủ và tham gia quản lý xã hội của người dân. Hoạt động của ban này ở nhiều địa phương còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Ban Thanh tra nhân dân xã Nam Chính (Nam Sách) giám sát việc nâng cấp, mở rộng đường liên thôn của xã (ảnh tư liệu)
Chưa quy định chế độ cho thành viên
Sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã năm 2019, toàn tỉnh hiện có 235 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) cấp xã với 2.180 thành viên. 167 Ban TTND có từ 7-10 thành viên; 68 Ban TTND có từ 11-15 thành viên. 220 Trưởng Ban TTND là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Tháng 4.2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình thực hiện Luật Thanh tra trên địa bàn tỉnh và ghi nhận khá nhiều ý kiến về những vướng mắc trong quy định hiện hành liên quan đến hoạt động của Ban TTND. Chế độ hỗ trợ cho thành viên Ban TTND là một bất cập được nhiều địa phương nêu ý kiến. Theo quy định, nhiệm vụ của Ban TTND khá rộng, khối lượng công việc nhiều nhưng ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho hoạt động của ban mà không có chế độ đối với các thành viên. Hiện các Ban TTND cấp xã trên địa bàn tỉnh được cấp kinh phí phục vụ hoạt động chỉ từ 6 -8 triệu đồng/năm, tùy theo số lượng thành viên.
"Việc thành viên Ban TTND chưa có hỗ trợ thường xuyên hằng tháng để hoạt động trong khi trách nhiệm lớn khiến nhiều người không mấy mặn mà và khó gắn bó lâu dài với công tác TTND. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về cơ chế động viên, khen thưởng thành viên Ban TTND khi phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc thu hồi được tài sản về cho cá nhân, tổ chức cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động TTND dễ rơi vào tình trạng hời hợt", bà Lưu Thu Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hưng (Nam Sách) cho biết.
Bà Hằng cho rằng cần có mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên hằng tháng cho thành viên Ban TTND và quy định về chế độ khen thưởng, động viên khi Ban TTND phát hiện những vụ việc vi phạm gây thất thoát, lãng phí vốn của Nhà nước, thu hồi tài sản có giá trị lớn.
Bất cập về nhiệm kỳ hoạt động
Một số địa phương nêu ý kiến nhiệm kỳ hoạt động của Ban TTND kéo dài 2 năm là chưa hợp lý. Theo ông Đặng Văn Hách, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, điều này gây lãng phí không nhỏ về nhân lực, thời gian, kinh phí khi kiện toàn Ban TTND nhiệm kỳ mới. Mặt khác, khi thành viên Ban TTND vừa làm quen với công tác chuyên môn thì hết nhiệm kỳ và phải tổ chức tập huấn ngay cho thành viên mới.
Ông Phạm Văn Dũng gắn bó với công tác TTND ở xã Tân Phong (Ninh Giang) đã hơn 21 năm cũng đồng tình kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của Ban TTND. "Việc nâng nhiệm kỳ hoạt động của Ban TTND lên 5 năm để hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn", ông Dũng cho biết.
Hoạt động của Ban TTND còn gặp nhiều vướng mắc do trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa được quy định rõ; nhiều tổ chức, cá nhân chưa tích cực phối hợp với Ban TTND. Ở một số nơi, cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đối với công tác TTND.
Nhiệm kỳ 2019-2021, các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã đã phát hiện và kiến nghị 3.349 vụ việc (tăng 124 vụ việc so với nhiệm kỳ trước), được chính quyền các cấp và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 3.286 vụ việc (đạt 98,1%). Trong đó, phát hiện 804 vụ việc vi phạm về đất đai, kiến nghị xử lý, thu hồi 1.129 m2 đất; 109 vụ việc về kinh tế, đã thu hồi trên 138 triệu đồng; 586 vụ việc về an ninh trật tự; 538 vụ việc về văn hoá, xã hội và 1.249 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác. Bên cạnh việc giám sát theo quy định, các Ban Thanh tra nhân dân tăng cường tham gia giám sát những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm như việc lập, thực hiện, quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; việc thu chi, quyết toán ngân sách cấp xã, quản lý sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp... |
PHONG TUYẾT