Việc các bên khác mua lại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) được coi là "kết quả tốt nhất" sau sự sụp đổ của ngân hàng này. Chính phủ Mỹ cũng đã can thiệp bằng các biện pháp khẩn cấp.
Hình ảnh minh họa của Reuters về việc Ngân hàng SVB vỡ vụn - Ảnh: Reuters
Ngày 13.3, Ngân hàng HSBC (Anh) đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực công nghệ của xứ sở sương mù khi mua lại chi nhánh SVB tại Vương quốc Anh với giá 1 bảng Anh (trả tượng trưng).
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ chưa công bố bên mua nào cho SVB tại Mỹ khi tuần mới bắt đầu tại xứ sở cờ hoa.
Cần các "hiệp sĩ trắng"
SVB có các chi nhánh bên ngoài nước Mỹ như ở châu Âu, Canada, Israel và liên doanh ở Trung Quốc. Việc mua lại từng phần của SVB và công ty mẹ của ngân hàng này có thể khiến SVB trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các bên mua nhờ vào quy mô nhỏ hơn và ít tiền đầu tư hơn.
Nhưng việc HSBC mua lại SVB tại Anh cũng là một thương vụ kịch tính sau các cuộc đàm phán thâu đêm do Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Ngân hàng Anh dẫn đầu. Hãng tin Bloomberg so sánh HSBC như một "hiệp sĩ trắng", là vị cứu tinh cho chi nhánh SVB tại Vương quốc Anh.
Báo Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết chi nhánh SVB tại Anh có 3.300 khách hàng, gồm cả các công ty khởi nghiệp, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm. Một số công ty nói với Đài BBC rằng họ có thể phá sản nếu không rút được tiền gửi.
Tại Mỹ tình hình chưa thể nhanh chóng như vậy. Theo trang Axios, trong vài ngày qua Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) - cơ quan kiểm soát SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ - đã nháo nhào tìm kiếm tổ chức tài chính lớn để mua lại SVB hoặc ít nhất là mảng kinh doanh của ngân hàng thương mại này.
Báo New York Times dẫn một nguồn thạo tin nói rằng FDIC đã bắt đầu cuộc đấu giá cho SVB. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner - thành viên của Ủy ban Thượng viện về các vấn đề đô thị, nhà ở và ngân hàng - đánh giá "kết quả tốt nhất là mua lại SVB".
Khả năng một ngân hàng khác bước vào mua lại một phần/toàn bộ ngân hàng sụp đổ từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, khi JPMorgan Chase mua lại Washington Mutual.
Trong lịch sử, những vụ mua lại như vậy thường diễn ra vào cuối tuần. Bởi vì khi ngân hàng mở cửa vào thứ hai, nhiều khách hàng sẽ đi rút tiền và điều này cũng khiến việc thực hiện các thương vụ mua lại trở nên khó khăn hơn.
Nếu không có bên mua lại SVB, FDIC có thể sẽ phải bán bớt tài sản của SVB để huy động tiền mặt trả nợ cho những người gửi tiền.
Phần nào nhẹ nhõm
SVB là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ, có quy mô nhỏ so với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Chẳng hạn số tài sản 209 tỉ USD của SVB là con số mờ nhạt khi đứng cạnh số tài sản hơn 3.000 tỷ USD của JPMorgan Chase.
Tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng có thể xảy ra khi khách hàng hoặc nhà đầu tư hoảng sợ sau vụ SVB, và đây có lẽ là mối lo ngại lớn nhất vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Mỹ đã gấp rút ngăn chặn hậu quả, đặc biệt trước khi thị trường mở cửa trở lại vào ngày 13-3 (thứ hai) và tuần làm việc mới bắt đầu. Ngày 12.3, chính quyền Mỹ đã khởi động các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.
Các nhà quản lý thông báo người gửi tiền tại SVB, kể cả các khoản lớn hơn 250.000 USD (mức không được bảo hiểm), sẽ vẫn được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13.3, đồng thời thiết lập một cơ sở mới để giúp các ngân hàng có thể tiếp cận các quỹ khẩn cấp.
Cục Dự trữ liên bang (FED) - tức ngân hàng trung ương - cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để hỗ trợ tiền cho các ngân hàng trong trường hợp khẩn cấp.
Các cơ quan quản lý cũng nhanh chóng đóng cửa Signature Bank (ngân hàng thương mại ở New York) đã chịu áp lực trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã cố gắng trấn an công chúng rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ "an toàn và được vốn hóa tốt".
Mặc dù các biện pháp này mang lại sự nhẹ nhõm phần nào cho các công ty ở Thung lũng Silicon và thị trường toàn cầu vào ngày 13.3, nhưng những lo ngại về rủi ro khủng hoảng tài chính rộng hơn vẫn còn. Người ta hoài nghi liệu Fed có kiên định với kế hoạch tăng lãi suất mạnh để chống lạm phát hay không.
Sự can thiệp của chính quyền Tổng thống Joe Biden càng cho thấy được rằng chiến dịch không ngừng nghỉ của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác nhằm đẩy lùi lạm phát đang gây căng thẳng cho hệ thống tài chính và thị trường toàn cầu.
Trong tuyên bố vào tối 12.3, FED cho biết họ "đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên toàn hệ thống tài chính và sẵn sàng sử dụng đầy đủ các công cụ để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời sẽ thực hiện thêm các bước khi thích hợp".
Ngày 12.3, các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết họ không còn cho rằng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng này để chống lạm phát. Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius tại Goldman Sachs chỉ ra "sự căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng" là lý do đằng sau dự báo mới nhất về việc FED không tăng lãi suất.
Tuần trước, các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sau cuộc họp của họ trong tháng 3.2023.
Theo Tuổi trẻ
>>> Ông Biden nói ngân hàng Mỹ an toàn nhưng cần củng cố quy định