Một số ngân hàng tại quốc gia này đã ghi nhận cổ phiếu lao dốc sau vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản, làm dấy lên lo ngại rằng có thể xảy ra nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa trong tương lai.
Theo báo Bloomberg, các nhà quản lý Mỹ đang tích cực thảo luận về một cơ chế nhằm ngăn chặn các ngân hàng cho vay khác gặp phải tình trạng mất khả năng thanh toán như của SVB.
Theo các nguồn tin biết rõ vấn đề, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) có thể tạo ra một quỹ cho phép các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm tiền gửi cho các ngân hàng đang gặp vấn đề.
Các cơ quan quản lý coi cơ chế này là kế hoạch dự phòng để tránh gây ra tình trạng hoảng loạn và sẽ sớm thảo luận cơ chế này với các giám đốc điều hành ngân hàng. Hiện thông tin chi tiết cũng như bình luận chính thức về cơ chế chưa được công bố.
Trước đó, một số ngân hàng cho vay tập trung vào các công ty đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp đã chứng kiến cổ phiếu lao dốc sau tin tức SVB phá sản, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tài chính của mình.
SVB, một công ty cho vay lớn tập trung vào lĩnh vực công nghệ và các công ty khởi nghiệp, được xếp hạng trong 20 ngân hàng hàng đầu của Mỹ. Ngày 10/3, SVB tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/3 và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt".
Các văn phòng của SVB sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/3 để cho phép những người gửi tiền được bảo hiểm rút tiền của họ. Tuy nhiên, theo FDIC, khoảng 89% trong số 175,4 tỷ USD tiền gửi của SVB không được bảo hiểm, có nghĩa là không chắc chắn khi nào phần lớn khách hàng có thể nhận được tiền của họ.
FDIC được cho là đang tìm kiếm một ngân hàng khác để hợp nhất với SVB nhằm bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận mua lại SVB quá lớn để có thể đạt được trong thời gian gấp rút, trong khi các bên mua tiềm năng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản đảm bảo đặc biệt hoặc tiền phụ trợ đi kèm. Tổ chức tài chính Santa Clara hiện có khối tài sản trị giá 209 tỷ USD có trụ sở tại bang California được cho là một trong số những đối tác tiềm năng mua SVB.
Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của SVB là do SVB đang cố gắng huy động 2,25 tỷ USD để bù lỗ vì bán tài sản, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn. Tin tức đã khiến các nhà đầu tư và khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng. Giá cổ phiếu đã chạm mốc giảm kỷ lục trong một ngày vào hôm 9/3, giảm hơn 60% và giảm hơn nữa trong doanh số bán hàng sau giờ làm việc trước khi giao dịch bị tạm dừng.
Theo Báo Tin tức