Suy ngẫm từ một bản án

16/11/2019 07:30

Vì dùng hóa chất ngâm, rửa củ cải, cà rốt, Bùi Văn Sáng, chủ một cửa hàng sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm vừa bị TAND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) tuyên phạt 1,5 năm tù giam.

Không ít người tiêu dùng vui mừng trước thông tin này vì đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng truy tố trách nhiệm hình sự đối với hành vi ngâm tẩm thực phẩm trong hóa chất, vốn đang là mối lo chung của toàn xã hội.

Việc ngâm tẩm hóa chất cho trái cây nhanh chín; gà, dưa vàng ruộm bởi chất vàng ô; biến thịt, nội tạng lợn đã ôi thối thành những món thơm ngon, nóng hổi ở các nhà hàng, quán nhậu không còn là chuyện lạ.

Sợ hãi trước vấn nạn thực phẩm bẩn, không ít người dân ở thành phố đã tự trồng rau, thậm chí nuôi gà trên sân thượng. Người có điều kiện hơn mua hoặc thuê hẳn đất ở quê để làm trang trại tự cung, tự cấp nông sản, thực phẩm cho gia đình mình và người thân. Vì sao họ phải làm vậy? Điều này xuất phát từ chính nỗi sợ hãi đối với thực phẩm bẩn đang xuất hiện khá nhiều hiện nay.

Không lo sao được khi tháng 10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy mẫu giám sát đối với sản phẩm chủ lực tiêu dùng có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao, đã phát hiện 21 trong tổng số 1.723 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, 27 trong 333 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm E.coli... Bộ này cũng đã phối hợp với cơ quan công an kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm ở Hưng Yên, Hà Nội nhập lậu nội tạng, vận chuyển lợn chết đi tiêu thụ...

Tại Hải Dương, từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy 180 mẫu rau, thịt ở một số chợ của TP Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn để kiểm nghiệm hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh... Kết quả, có tới 67 mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng, chiếm 37,2%. Trong đó, 21 mẫu rau có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật và 46 mẫu thịt gà, thịt lợn bị nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép.

Năm nào các địa phương trong tỉnh cũng dành hẳn một tháng để triển khai những hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm, ra quân kiểm tra, xử lý những hành vi gây mất an toàn trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm... Nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra.

Người dân không mong muốn phát hiện và xử lý được những người như Bùi Văn Sáng. Điều chúng ta cần là một xã hội an toàn mà trước hết yên tâm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Làm sao để tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" không còn. Các tiểu thương, người kinh doanh, chế biến thực phẩm không vì lợi nhuận mà làm những việc thiếu lương tâm, gây họa cho sức khỏe người dùng.

Nếu còn những câu trả lời "tôi không biết" việc ngâm hóa chất vào củ cải, cà rốt... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ nghĩ làm cho chúng sạch đẹp hơn như bị cáo Sáng nói trước tòa trong hôm xét xử thì thật đáng buồn. Nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cần được nâng lên trong toàn xã hội.

Còn nhớ trong một kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng người ta sẵn sàng đưa chất độc hại ngâm tẩm thực phẩm cho đồng bào mình ăn chẳng khác nào một hành vi suy thoái đạo đức dưới lớp áo "không biết". 1 năm 6 tháng tù đối với hành vi ngâm tẩm hóa chất có thể còn nhẹ nhưng hy vọng từ hình phạt này bước đầu có tác dụng răn đe. Có như vậy, chất lượng bữa ăn cũng như cuộc sống của người Việt mới được nâng lên.

HOÀNG ANH 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Suy ngẫm từ một bản án