Làng An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) có lẽ là nơi cuối cùng ở Hải Dương hiện vẫn còn duy trì nghề bện chổi rơm.
Nghề làm chổi rơm đã mang lại ấm no, giàu có cho nhiều hộ ở An Nghiệp
Chổi rơm nơi đây có tiếng bền, đẹp, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Nghề này giúp nhiều gia đình trong thôn có cuộc sống ổn định, ấm no.
Giàu lên nhờ chổi rơm
Về làng An Nghiệp, chúng tôi khá bất ngờ bởi các tuyến đường ở đây đều phong quang, sạch sẽ, không có rơm rạ. Trong làng cũng không có tiếng máy móc như ở các làng nghề khác.
"Rơm khô bà con tích trong kho. Bện chổi rơm lại chỉ làm thủ công, vài ngày mới có xe đến lấy hàng một lần nên ai đến đây lần đầu cũng đều không biết cả", ông Bùi Đăng Huệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Nghiệp giới thiệu khi đưa chúng tôi tới những nhà làm nghề bện chổi.
Theo ông Huệ xuống xóm Đống Bương, vào từng hộ chúng tôi mới cảm nhận rõ không khí làm nghề bện chổi rơm của bà con nơi đây.
Trên khoảng sân rộng của gia đình bà Nguyễn Thị Tách (62 tuổi), các bà, các chị đang ngồi làm từng công đoạn ra con, bện, cắt áo đến vào lõi cọc, quấn dây cán chổi. Những đôi bàn tay thô ráp thuần thục, nhanh như máy lần lượt cho ra những chiếc chổi đều tăm tắp.
Họ vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả. "Không tính lớp trẻ, những người trung tuổi trở lên ở làng chúng tôi ai cũng biết bện chổi. Người nào bện nhanh mỗi ngày cũng phải được 50 chiếc", một bà ngồi đan chổi khoe.
Ông Huệ hay các cụ cao tuổi trong làng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết do các thế hệ đi trước truyền dạy. Khi xưa, người dân ở hầu hết các làng thuộc Bắc Bộ đều biết bện chổi rơm nhưng chủ yếu làm để phục vụ trong gia đình. Không nhiều nơi bện chổi rơm để mang bán kiếm lời như người làng An Nghiệp.
Có giai đoạn, hầu hết gia đình ở đây làm nghề bện chổi rơm. Bà con tận dụng số rơm nếp dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch để bện chổi, đem bán lẻ ở các chợ trong khu vực.
Giá trị mỗi chiếc chổi không cao nên những người bện chổi chủ yếu là phụ nữ tranh thủ lúc nông nhàn, còn đàn ông đi xây, làm thuê... Những năm 2015-2017, cả làng có hơn 100 hộ theo nghề nhưng nay do nhiều người đi làm công nhân nên chỉ còn khoảng 70 hộ.
Những hộ này giờ không coi bện chổi là nghề phụ nữa mà xác định đây là nghề chính nên chuyển sang sản xuất tập trung. Ông Huệ bảo trong làng hiện có trên 10 hộ làm chổi quy mô lớn, thuê nhiều lao động, mỗi tháng bán ra thị trường cả nghìn chiếc.
"Khối nhà ở làng tôi đã thoát cảnh nghèo khó, ăn nên làm ra từ chiếc chổi rơm đấy. Mấy nhà mới xây to đẹp ở xóm Đống Bương này cũng nhờ chổi cả", ông Huệ chia sẻ.
Bà An Thị Vần ngồi bện chổi ở sân nhà bà Tách nói xen ngang: "Đúng đấy. Như nhà tôi giờ thuộc diện bện chổi ít nhất làng mà tiền thu được hằng tháng cũng đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình và lo cho con học đại học nữa".
Làng An Nghiệp còn nhiều hộ theo nghề làm chổi rơm
Để minh chứng, ông Huệ đưa chúng tôi sang một số gia đình sản xuất chổi rơm quy mô lớn, trong đó có hộ ông Nguyễn Xuân Biết. Ông Biết vừa làm xong ngôi nhà khang trang trị giá bạc tỷ.
Rót chén trà mời khách, ông hồ hởi nói: "Căn nhà là kết quả 5 năm làm chổi rơm của vợ chồng tôi. Lúc đầu nghĩ bện chổi rơm kiếm vài nghìn bạc một cái bao giờ mới giàu nhưng khi bắt tay vào làm ăn lớn rồi thì thấy đây là lựa chọn đúng".
Giống như nhiều gia đình trong thôn, trước đây ông Biết đi làm thợ xây, vợ ông là bà Đỗ Thị Vãng ở nhà làm ruộng, bện chổi bán lẻ kiếm lời. 10 năm trước, thấy nhu cầu sử dụng chổi rơm của thị trường lớn nên ông quyết định bỏ nghề thợ xây, về nhà cùng vợ tập trung làm chổi rơm.
Ông Biết đầu tư sản xuất với số lượng lớn để giao buôn cho các khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. Có thời điểm ông thuê gần 10 lao động cùng lúc để làm các công việc như phơi rơm, tuốt lõi, ra con, bện chổi. Bình quân mỗi tháng gia đình ông bán 1.500 - 2.000 chiếc chổi, gồm 2 loại chổi có cán và chổi không cán.
Hàng sản xuất ra bao nhiêu được tiêu thụ hết ngay đến đó, có thời điểm không có hàng để bán do không nhập được nguyên liệu. "Năm ngoái nhà tôi làm không hết việc, có lúc khách đặt số lượng hàng lớn nên có hôm chẳng kịp ăn cơm, hai vợ chồng chỉ uống nước mía rồi lại làm tiếp", bà Vãng nói.
Ông Biết chia sẻ ông rất vui vì nghề truyền thống của ông cha để lại đã giúp nhiều gia đình trong làng có cuộc sống ổn định, ấm no. Các gia đình có điều kiện xây nhà cửa khang trang, chăm lo con cái ăn học, tham gia đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. "Mỗi năm nhà tôi đạt doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được 250-300 triệu đồng. Giờ nhà đẹp có rồi, tới mua ô tô để đi lại", ông Biết vui vẻ nói.
Nghề làm chổi rơm không chỉ giúp cuộc sống của nhiều gia đình ở làng An Nghiệp ấm no mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, nhất là những người cao tuổi.
Cụ Hoàng Thị Mùi (80 tuổi) khoe mỗi ngày vẫn rút được 10 kg rơm, nhận tiền công 80.000 đồng. "Làm việc có người này người kia trò chuyện thấy vui, khỏe hơn là ở nhà một mình. Tiền công mỗi tháng không nhiều nhưng cũng đủ chi tiêu cá nhân, không phải phụ thuộc con cháu", cụ Mùi cho biết.
Liên kết người trồng lúa nếp và hộ làm nghề
Người dân làng An Nghiệp từ xưa vẫn chủ yếu cấy lúa nếp để có rơm bện chổi. Nhưng diện tích đất nông nghiệp ở đây không nhiều nên lượng rơm thu được sau mỗi vụ lúa chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các gia đình theo nghề.
Để duy trì nghề, những gia đình sản xuất chổi quy mô lớn phải nhập ruột rơm nếp khô từ các tỉnh, thành phố về như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình... với giá 32-34 triệu đồng/tấn. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay thì 1 kg ruột rơm bằng 4-5 kg thóc.
Nghề làm chổi rơm giúp gia đình ông Nguyễn Xuân Biết có căn nhà khang trang, cuộc sống khấm khá
Ông Biết rất tiếc khi phần lớn rơm rạ sau thu hoạch ở tỉnh ta bị người dân đem đốt, trong khi đó ông và nhiều gia đình khác phải nhập từ nơi khác về để duy trì nghề.
Ông than thở: "Đúng là lãng phí thật. Nếu chịu khó gặt tay, phơi hong một tý thì tiền bán rơm cũng đủ để bà con thuê công cày, bừa, chi phí mua thuốc trừ sâu, phân bón cả vụ.
Tìm hiểu ở những nơi nhập hàng tôi thấy cứ mỗi sào cấy lúa nếp người ta thu được 25 kg lõi rơm khô, mỗi kg nhân với giá 32.000 - 34.000 đồng thì số tiền thu được lớn lắm".
Qua tìm hiểu, mỗi sào cấy lúa nếp sẽ cho một lượng rơm khô đủ để làm ra khoảng 40 chiếc chổi. Giá mỗi chiếc chổi bán lẻ từ 30.000 - 35.000 đồng. Như vậy, số tiền thu được từ bán chổi cũng đủ để nông dân trang trải chi phí sản xuất trong một vụ lúa. Ở An Nghiệp, tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch lúa gần như không có.
Nhu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào của các hộ theo nghề làm chổi rơm ở thôn An Nghiệp rất lớn. Mỗi gia đình sản xuất chổi quy mô tập trung ở đây phải nhập cả chục tấn ruột rơm mỗi năm.
Nếu các địa phương lân cận quan tâm tuyên truyền, vận động người dân quy hoạch vùng cấy lúa nếp để bán rơm cho người làng An Nghiệp thì không chỉ giúp làm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng đốt rơm, rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tứ Cường Vũ Văn Huyên cho biết: "Năm ngoái, MTTQ xã triển khai mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, có vận động người dân tham gia cấy lúa nếp phục vụ nghề truyền thống của địa phương. Hơn 1 năm qua, nhân dân không còn đốt rơm rạ", ông Huyên nói.
Hiện nay, ngày càng có nhiều lao động ở xã Tứ Cường và các địa phương lân cận chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc vận động nhân dân cấy lúa nếp, gặt tay và bán ruột rơm cho các hộ làm chổi rất khó khả thi.
"Tôi nghĩ cách tốt nhất bây giờ là phải quy vùng sản xuất lúa nếp tập trung, giao cho một tập thể hoặc một cá nhân thực hiện. Cần đầu tư máy móc hiện đại, khi gặt lúa xong vẫn có thể sử dụng rơm để làm chổi", ông Huệ nói.
TIẾN MẠNH - THẾ ANH