Đã có những phản hồi về tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều, sau khi cuốn sách này làm dư luận bức xúc vì “chi chít sạn”.
Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã công bố tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều để xin ý kiến nhân dân đến hết ngày 20.11, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thẩm định lần cuối.
Giới chuyên gia giáo dục đã cho ý kiến về những tài liệu này, trong đó, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, không có chuyện sáng tạo từ cái sai vì nó chỉ làm sai càng thêm sai.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Tôi đã đọc tài liệu chỉnh sửa của SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều và thấy rằng tài liệu chỉnh sửa này quá kém và không đạt yêu cầu hay nói một cách khác là không thể dùng nó để thay thế tài liệu cũ hoặc dùng để bổ sung. Bởi chính tài liệu này lại mắc những sai lầm nghiêm trọng mà không thể nào thông cảm về mặt chuyên môn”.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, đây là những sai sót ở rất nhiều phương diện, về tư duy, ngôn ngữ, về quan điểm biên soạn và tính logic, tính hệ thống… Các yêu cầu đối với một bộ SGK Tiếng Việt đều không đạt.
“Người Tây học tiếng Việt cũng không nói như vậy”
Nêu cụ thể về tính khập khiễng và không khoa học trong những tài liệu điều chỉnh của SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đề cập bài tập đọc “Sáng sớm trên biển”.
“Sáng sớm, biển thật là đẹp. Từ phía xa tít tắp, một vầng hồng từ từ nhô lên. Mặt biển bỗng ửng hồng. Từng lớp sóng nhấp nhô. Những tia nắng sớm nô đùa trên sóng. Nắng lên dần. Mặt biển sáng rực”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, “vầng hồng” không để chỉ một vật cụ thể, mà để chỉ một khoảng không gian, vậy làm sao có thể “từ từ nhô lên” được? Nếu viết “mặt trời” từ từ nhô lên thì được.
“Cũng không thể nói rằng dùng “vầng hồng” để chỉ mặt trời được, dạy trẻ em trước hết phải đúng. Tiếp theo, từ “bỗng” cũng sai về logic. Giả sử, “vầng hồng” đó có “từ từ nhô lên”, thì mặt biển cũng chỉ có thể “dần” chuyển sang ửng hồng, chứ không thể “bỗng”. Bởi “bỗng” là để chỉ một sự việc xảy ra nhanh, bất ngờ, không lường trước. Vậy đi với “từ từ” thì không thể là “bỗng” được”, ông phân tích cụ thể.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nhận định, trong tài liệu chỉnh sửa, nhiều câu văn, hình ảnh minh hoạ cho thấy sự chắp vá, khập khiễng có thể làm hỏng tư duy của học sinh. Như câu “sen nở kín mặt hồ” nhưng bức tranh minh hoạ hoa lại rất thưa thớt, như vậy từ “kín” sẽ được hiểu thế nào? Học sinh sẽ bị phá hết tư duy và không liên tưởng được. Chưa kể miêu tả hoa sen giống hoa súng hay nhìn nghiêng còn giống hoa mẫu đơn, vậy học sinh tư duy thế nào?
Với bài tập đọc “Chăm bà” nói về tình cảm của cả nhà với bà, cùng chăm sóc bà khi bà ốm. Bà ho mẹ chạy đi mua lá hẹ, còn cháu thì đưa sữa cho bà. Nhưng theo kiến thức phổ thông nhất, khi nói đến cảm thì triệu chứng phải là sốt, còn ho là hệ quả sau này và không ai chữa cảm bằng lá hẹ. “Hành động cháu “đưa” sữa cho bà có thể nói là phản cảm, không thể hiện tình cảm hay sự chăm sóc của người cháu với bà. Ít ra phải từ “bưng” để thể hiện sự kính trọng nâng niu, chưa kể đến việc dùng từ “pha” để nói đến việc cháu chủ động chăm lo cho bà. Trong 3 từ này mà người biên soạn lại không biết lựa chọn từ đúng thì không thể có được tài liệu tốt để dạy”, ông Đạt phân tích.
Với hình minh hoạ, “phố rất tấp nập” nhưng mở ra lại là một con phố rất đìu hiu, quạnh vắng… “Đây là sách dạy Tiếng Việt mà người biên soạn còn dùng Tiếng Việt sai thì dạy học sinh làm sao được. Người Tây học tiếng Việt cũng không nói như vậy”, ông Đạt nói.
“Chúng ta còn 4 bộ SGK và SGK cũ vẫn rất tốt”
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt khẳng định, chức năng của sách dạy tiếng Việt cho trẻ em lớp 1 là phải cung cấp được cho các em cách sử dụng tiếng Việt ở bước sơ đẳng ban đầu, trong đó, bao gồm ghép vần, ghép chữ, biết đọc và hiểu nghĩa từ: “Chúng ta “đi lùi” thua các cụ ngày xưa. Ngày xưa chỉ mất 3 tháng để biết đọc biết viết, giờ đây áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng mất đi văn hoá, thẩm mỹ ngôn từ… trong khi ghép vần, dạy tiếng với học sinh giống như đánh vật”.
“Cách làm của chúng ta đang loanh quanh, lúng túng, tại sao không dũng cảm sai thì bỏ đi mà lại lấy cái sai này thay thế cái sai khác. Như vậy là quá nguy hiểm cho nền giáo dục và gây rối loạn với cả học sinh và phụ huynh. Hiện tại chúng ta vẫn có phương án thay thế là 4 bộ sách còn lại và cả SGK cũ. Chúng ta cần kiên quyết và có chuyên môn bởi học sinh và phụ huynh đang chịu rất nhiều thiệt thòi. Họ phải chi một khoản tiền cho SGK nhưng lại nhận về một sản phẩm không thể dùng được”, ông Đạt nhấn mạnh./.
Theo VOV