Stress – kẻ thù thầm lặng gây suy giảm chất lượng cuộc sống

13/07/2021 13:18

Cuộc sống khiến con người phải đối mặt với rất nhiều những áp lực. Tình trạng stress kéo dài chính là yếu tố khiến chất lượng cuộc sống của bạn suy giảm và gây ra các bệnh lý khác nhau.

Stress đe dọa sức khỏe của bạn như thế nào?

Stress hay còn gọi là áp lực, căng thẳng là một phần của cuộc sống. Nói cách khác, khi làm bất kì một công việc gì căng thẳng đều có thể xuất hiện và tạo sức ép khiến người ta tiến về phía trước. Cụ thể, những áp lực ngắn hạn sẽ khiến tim bạn đập nhanh, thúc đẩy tuần hoàn máu não. Lúc này, các ý tưởng sẽ dễ xuất hiện, khả năng tập trung tăng cao và đạt được hiệu quả công việc tốt.


Stress là một phần của cuộc sống, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị stress hoặc những áp lực quá mạnh sẽ gây nguy hại không nhỏ tới cơ thể, dẫn tới hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể:

Các bệnh lý trên thần kinh và nội tiết

Dưới tác dụng của stress, tuyến thượng thận giải phóng ra hormon adrenalin và cortisol. Qua đó, làm tăng nhịp tim và đưa máu đến các cơ quan như cơ, tim, não bộ,... Sau đó, áp lực qua đi, tình trạng này sẽ trở về mức bình thường. Nhưng nếu thường xuyên bị căng thẳng, hệ thần kinh có thể không truyền đạt những thông tin chính xác gây rối loạn trong bài tiết các hormon. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau đầu, khó chịu và mệt mỏi.


Áp lực công việc kéo dài gây hại cho hệ thần kinh và gây đau đầu

Trên hô hấp

Khi bị căng thẳng, dưới tác động của các hormon tuyến thượng thận, hô hấp sẽ tăng lên. Thậm chí, ở những người bị hen phế quản nhịp thở nhanh có thể sẽ gây cảm giác khó thở.

Trên tim mạch

Stress kéo dài có thể gây tăng huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim do adrenalin được tiết ra với tần số cao hơn bình thường.

Trên tiêu hóa

Hormon cortisol duy trì nồng độ cao trong máu do stress kéo dài sẽ gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: Ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng thượng vị,...


Căng thẳng kéo dài có thể gây đau dạ dày

Trên cơ bắp

Căng thẳng kéo dài cũng khiến cho các cơ bắp không được thư giãn mà luôn trong trạng thái bị kéo căng rất khó chịu.

Rối loạn chức năng sinh dục

Căng thẳng kéo dài có thể gây rối loạn cương dương ở nam giới cũng như rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Từ đó, dẫn tới tình trạng khó có con, suy giảm chất lượng sinh hoạt tình dục và nhiều bệnh lý khác. Stress thường xuyên cũng làm nặng thêm các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh.

Tiểu đường

Ở những người thường xuyên căng thẳng, các tế bào cần nhiều năng lượng nên lượng đường huyết thường cao. Tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể dẫn tới  bệnh đái tháo đường type II.

Suy giảm miễn dịch

Một trong những tác dụng không mong muốn của hormon cortisol do tuyến thượng thận tiết ra đó là ức chế hoạt động của bạch cầu - hàng rào miễn dịch quan trọng của cơ thể. Cũng vì vậy mà những người thường xuyên chịu nhiều căng thẳng rất dễ bị nhiễm bệnh, gầy yếu, khó hồi phục sau khi bị nhiễm bệnh.


Hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm khi căng thẳng kéo dài

Mặc dù stress ngắn hạn là cần thiết nhưng nếu kéo dài lại gây hại nhiều tới sức khỏe. Với hàng loạt những tác hại mà stress mang lại, cần có những biện pháp để giải tỏa bớt áp lực và căng thẳng.

Những giải pháp giúp giảm bớt căng thẳng, stress kéo dài

Nếu đang phải đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống, bạn nên áp dụng ngay một vài biện pháp sau đây để cải thiện tình trạng này

Tập thể dục

Khi tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng endorphin - chất hóa học giúp cải thiện tâm trạng của bạn và hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên. Đồng thời, tập thể dục cũng giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ, tự tin và vui vẻ hơn. Do đó, bạn nên lựa chọn tập luyện một môn thể thao nào đó như: Bơi lội, bóng chuyền, đá bóng,... để giải tỏa bớt những áp lực mà mình đang gặp phải.


Tập thể dục giúp tăng tiết endorphin giúp giải tỏa áp lực

Liệu pháp trị liệu hương thơm

Liệu pháp hương thơm giúp giải tỏa áp lực hiệu quả. Một số nghiên cứu đã chứng minh phương pháp này giúp giảm bớt những lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một số mùi hương êm dịu giúp giải tỏa bớt căng thẳng mà bạn có thể lựa chọn như: Hoa oải hương, hoa hồng, cúc La Mã,...

Mỉm cười nhiều hơn

Ông cha ta có câu “một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ” quả không sai. Khi cười, những áp lực, căng thẳng sẽ được giải tỏa đi đáng kể, cơ bắp cũng được giãn ra và trong trạng thái nghỉ. Bên cạnh đó, tiếng cười cũng tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện tâm trạng của bạn đáng kể.


Nụ cười tươi giúp loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi, thư giãn cơ bắp

Học cách nói “không”

Khi đang đối mặt với khối lượng lớn công việc và áp lực cuộc sống, bạn cần học cách nói “không” để từ chối nhận thêm những vấn đề vượt quá khả năng của bạn.

Những cái ôm

Những hành động thân mật như ôm, hôn sẽ kích thích cơ thể giải phóng ra hormon oxytocin và giảm cortisol. Từ đó, giúp hạ huyết áp và giải tỏa bớt những căng thẳng mà bạn đang gặp phải.

Sử dụng thuốc điều trị

Trong những trường hợp stress nặng kèm theo những vấn đề về tâm lý   bạn cần gặp  bác sĩ để có kế hoạch điều trị sớm.   

Stress là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, nếu đang gặp phải tình trạng stress kéo dài, hãy áp dụng ngay những biện pháp trên để cải thiện. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn ngay từ hôm nay.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Stress – kẻ thù thầm lặng gây suy giảm chất lượng cuộc sống
ss