"Sóng và máy tính cho em": Tiếp thêm động lực học tập

19/09/2021 06:00

"Sóng và máy tính cho em" đang biến ước mơ được học tập trực tuyến cùng bạn bè của học sinh, sinh viên nghèo thành hiện thực.


Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ mang tới 1triệu máy tính, giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập trực tuyến

Đa dạng hình thức giúp đỡ

Gia đình không có máy tính, điện thoại thông minh nên em Trần Văn Trường, lớp 10A Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TP Hải Dương) đã bị gián đoạn việc học trực tuyến. Chị Luyện Thị Loan ở ngõ 111 đường Bạch Đằng (TP Hải Dương) biết hoàn cảnh của Trường nên đã đưa em đến nhà, cho mượn điện thoại để học. “Tôi là bạn của mẹ cháu Trường. Gia đình tôi cũng rất khó khăn nhưng nhà cháu Trường còn khốn khó hơn khi cả nhà không có nổi một chiếc điện thoại thông minh, máy vi tính hay internet. Vì thế, tôi đã tạo điều kiện để cháu có thể tiếp thu được bài giảng của thầy cô, không bị lỡ việc học. Em gái của Trường cũng phải sang học nhờ nhà bạn cùng lớp”, chị Loan cho biết. 

Đầu năm học này, khi biết cháu của một người bạn đang học tiểu học nhưng không có máy tính để học, anh Nguyễn Tiến ở chung cư HUDIC (TP Hải Dương) đã chủ động đi sửa chiếc máy tính cũ mà gia đình không sử dụng để tặng cháu. Có máy tính, cháu bé ấy đã được học trực tuyến cùng bạn bè, cả gia đình trút bỏ được nỗi lo cho con.

Không chỉ giúp đỡ học sinh nghèo có thiết bị học tập mà nhiều nhà hảo tâm còn chủ động giúp đỡ các em cách thức sử dụng những phương tiện này. Trước khi bước vào năm học mới, Đoàn Thanh niên xã Hiệp Cát (Nam Sách) đã thành lập một nhóm tình nguyện. Nhóm đến nhà những học sinh có bố mẹ làm ăn xa hoặc chưa biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để giúp cài đặt, hướng dẫn sử dụng các nền tảng phục vụ việc học trực tuyến. Nhờ đó, nhiều học sinh không còn bỡ ngỡ, học tập thuận lợi hơn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với mục tiêu không đến trường nhưng không dừng học, hình thức học trực tuyến được coi là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, với những gia đình hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhiều con cần sử dụng thiết bị để học thì học trực tuyến đang gặp rào cản. Dù đã có những hành động cụ thể giúp đỡ học sinh trong học tập, nhưng vẫn chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực tế. Hình thức giúp đỡ cũng chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh vẫn còn 0,29% số học sinh khối THCS chưa có thiết bị học trực tuyến, tỷ lệ này ở khối THPT là 0,14% và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên 0,81%.


Chị Luyện Thị Loan ở ngõ 111, đường Bạch Đằng (TP Hải Dương) sẵn sàng giúp đỡ học sinh khó khăn có phương tiện học trực tuyến

Sớm ban hành kế hoạch triển khai cụ thể

Để học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện được học tập trực tuyến, tối 12.9, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình gồm 3 phần chính là có internet đến tất cả các gia đình; có máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Tại lễ phát động, các doanh nghiệp lớn thuộc ngành thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, ngân hàng cùng nhiều tổ chức khác đã công bố ủng hộ 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Các nền tảng dạy, học trực tuyến gồm VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS cũng được các doanh nghiệp công nghệ triển khai miễn phí với giá trị ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Các nhà mạng cũng cam kết phủ sóng 100% số vùng lõm chưa có kết nối internet di động.

Để thực hiện chương trình hiệu quả, sau lễ phát động, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch, nhanh chóng triển khai với mục tiêu huy động được nhiều thiết bị di động thông minh, hỗ trợ đường truyền, gói cước internet di động cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh để học trực tuyến.

Trước thời điểm chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động, các đơn vị viễn thông trên toàn quốc nói chung và Hải Dương nói riêng đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, nhất là phục vụ việc học trực tuyến của học sinh. Viettel, VNPT, FPT, MobiFone đã chủ động ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng; tăng băng thông các gói cước internet miễn phí với giá không đổi; cung cấp đường truyền internet tốc độ cao kèm thiết bị khuếch đại tín hiệu wifi; huy động nhân lực, giải quyết nhanh nhu cầu tại chỗ của khách hàng.

Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết chương trình "Sóng và máy tính cho em” được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Chương trình không chỉ mang giá trị nhân văn trong bối cảnh dịch bệnh mà còn là cơ hội để học sinh tiếp cận sớm với máy tính, thích ứng dần với điều kiện học tập môi trường số.

Với các địa phương, chương trình là động lực to lớn để cả thầy và trò cùng ngành giáo dục vượt lên khó khăn trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều cần thiết lúc này là gấp rút ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, đưa tinh thần “không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau” sớm đi vào cuộc sống.

THỦY KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Sóng và máy tính cho em": Tiếp thêm động lực học tập