Sống chỉ vì đất nước, nhân dân

18/02/2018 06:00

Học tập và làm theo gương Bác, mỗi người tùy theo hoàn cảnh riêng của mình, thường đi sâu phân tích, chiêm nghiệm điều gì đó mình tâm đắc nhất.


Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn

Nhưng có một điểm chung hết thảy, hầu như trước nhất, ai cũng vô cùng thấm thía bày tỏ lòng kính yêu vô bờ đối với Bác - một con người suốt đời chiến đấu, cống hiến hết sức mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào; sống chỉ vì đất nước, nhân dân.

Riêng tôi, tôi tự hỏi, tìm hiểu bắt nguồn từ đâu, điểm chính yếu nào Bác của chúng ta lại có một đức hy sinh đẹp đẽ, cao cả đến như vậy, để lại cho đời một bài học cơ bản nhất, quý báu nhất như vậy?

Rồi tôi nghĩ, không có cách nào tốt hơn, là hãy nghiên cứu kỹ những gì Bác đã nói về mình, những người khác đã nói về Bác, và sự thật Bác đã nói và làm như thế nào? Thì mới có thể giải thích được phần nào về nguyên nhân.

Quả thật, tôi được biết chuyện có người hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kỷ niệm nào sâu sắc nhất của Đại tướng với Bác Hồ? Đại tướng không cần nghĩ ngợi, tức khắc đáp ngay: “Dĩ công vi thượng”. Về sau, tôi cũng đã được đọc bài báo của Đại tướng đăng trên Báo Quân đội Nhân dân về tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Đó là câu chuyện vào một đêm giá lạnh ở trong hang Pắc Bó năm 1941, khi ở Trung Quốc mới về nước, bên ngọn lửa hồng sưởi ấm, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Chú Văn ạ, làm cách mạng phải dĩ công vi thượng…”. Từ đấy, Đại tướng luôn làm theo lời Bác, đặt đất nước và nhân dân lên trên hết, dốc lòng yêu thương đồng bào, chiến sĩ.

Có người kể lại rằng, năm 1946, trong một cuộc họp báo, có nhà báo muốn tìm hiểu ước vọng gì cho riêng cá nhân Bác sau khi đã giành được chính quyền và làm Chủ tịch nước, Bác điềm nhiên trả lời:

- Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi, thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính gì với vòng danh lợi.

Bác nói như thế, và cuộc sống thật của Bác như thế nào, các thế hệ người Việt Nam ta cũng biết cả rồi. Tôi chỉ xin thuật lại một mẩu chuyện mới nhất, gần đây nhất vào ngày 8.9.2013, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geunhye dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, sang thăm và làm việc với Chính phủ ta. Bà sắp xếp thời gian để có thể vào Lăng viếng Bác, nơi ở và làm việc của Người. Có lẽ chắc hẳn là bà đã được biết về tiểu sử và tập thơ Nhật ký trong tù của Bác được dịch ra tiếng Hàn. Nhưng bà hết sức ngạc nhiên và cảm kích lạ thường khi tận mắt nhìn thấy những vật dụng đơn sơ, nơi nghỉ ngơi và phòng làm việc giản dị của Người không thể ngờ nổi. Đặc biệt, khi ra ao cá, bà được hướng dẫn gọi cá đến ăn, trời ơi! Bà thấy vô cùng thú vị, cười tươi như hoa khi cả một bầy cá đông vô kể, vùng vẫy tranh nhau giành thức ăn ngay trước mặt và dưới chân bà. Lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng đã để lại trong bà những ấn tượng sâu đậm không thể nào quên về một đất nước và Bác Hồ huyền thoại của chúng ta…

Tôi thường được nghe kể lại rằng, sinh thời, khi đất nước chưa yên, dân còn đói khổ là Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Nói đến miền Nam đau thương là Bác không cầm được nước mắt. Bác bảo: “Miền Nam luôn ở trong tim tôi”.

Nỗi đau của mỗi người, mỗi gia đình cộng lại thành nỗi đau chung của Bác. Bác đã có một câu nói cực kỳ mạnh mẽ, thẳng thắn, trung thực mà không phải ai cũng dám nói ra, và hàng triệu con người đều nghĩ đến, muốn nói đến: “Nước có độc lập, mà người dân vẫn còn nghèo đói, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì”.

Thú thật, khi nghe được câu nói này, tôi xúc động mãnh liệt, trào nước mắt vì quá sung sướng, bởi đây mới là chân lý đích thực, là ước mơ cháy bỏng cao nhất của thế hệ những người sẵn sàng xả thân vì nước, chỉ mong sao cuối cùng phải được thoát khỏi cuộc đời nô lệ, lầm than, phải được sống ấm no, hạnh phúc.


Là vị Cha già kính yêu của dân tộc, Bác luôn dành tình cảm yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Có một lần, trong một cuộc hội thảo quốc tế về Văn hóa Hàn Quốc ở Câu lạc bộ giao lưu kinh tế -  văn hóa quốc tế do Giáo sư Phan Cự Đệ làm Chủ tịch, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú nói với tôi:

- Trước khi Bác Hồ có câu nói nổi tiếng khắp thế giới “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, Bác có một câu nói khác mà giới trí thức rất ngưỡng mộ và khâm phục: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê Su có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là nó phù hợp với điều kiện của nước chúng tôi.

Khổng Tử, Giê Su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội.

Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

(Nguồn: Dẫn theo: Hồ Chí Minh truyện, Bản dịch của Trung Niệm Thức - Bát nguyên truyện, xuất bản xã – Thượng Hải 6.1949).

Qua câu nói này, cho ta thấy cái cốt lõi của vẻ đẹp tâm hồn Bác và minh triết Hồ Chí Minh được chắt lọc, hội tụ tinh hoa của nhiều học thuyết, giá trị văn hóa khác nhau của nhân loại.

Như chúng ta đã biết, tình cảm là một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy hành động con người. Không có tình cảm lớn, tình cảm chân chính và cao thượng, con người không thể có nhân cách cao đẹp, không thể dám ra tay hành động quyết liệt vì chân lý, vì đại nghĩa.

Tôi cảm thấy thật thú vị khi bóc những tờ lịch treo tường hàng ngày, đọc được những câu phương ngôn của các học giả:

- “Ở đâu có tình yêu vĩ đại, ở đó sẽ có những điều kỳ diệu” (W.Cather).

- “Muốn hiểu biết thế nào là tình yêu và hạnh phúc, thì bạn phải biết sống cho người khác, nghĩa là biết yêu” (Godwin).

Chắc là không chính xác, tôi xin ghi lại theo trí nhớ những vần thơ đẹp của Tố Hữu mà tôi yêu thích. Ông viết về Bác:

“Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non song, mọi kiếp người

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nước ta đã rung động và say đắm lòng người về tình yêu bao la của Bác.

Vậy phải chăng, đức hy sinh cao cả của Bác bắt nguồn từ tình yêu thương tha thiết, nồng nàn với đất nước, nhân dân?

Tôi xin lấy câu nói này của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay lời kết:

“Lòng nhân đạo, tình thương đồng bào - đó là điều sâu sắc nhất, tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chí Minh”.

Đại tá, Nhà báo, Nhà thơ HỒ NGỌC SƠN (Thanh tra)

(0) Bình luận
Sống chỉ vì đất nước, nhân dân