Sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch

03/10/2021 09:25

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong tháng 10 sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.


Là hướng dẫn viên du lịch, anh Ngô Trần Hồng Quý (giữa) bị thất nghiệp từ nhiều tháng nay đã nhận được số tiền hơn 3,7 triệu đồng từ chính sách. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Nhằm góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động, đồng thời hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành.

Để triển khai Nghị quyết này, ngày 1.10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, quy định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ, căn cứ tính mức hỗ trợ, các mức hỗ trợ cụ thể cũng như trình tự, thủ tục thực hiện. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.10.2021.

Thủ tục nhanh gọn và thuận lợi

Nhanh chóng vào cuộc triển khai các nghị quyết, quyết định trên, ngay trong sáng 1.10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 116, Quyết định 28 tới 63 tỉnh, thành phố, 652 quận, huyện, với trên 5.000 công chức, viên chức tham dự tại hơn 700 điểm cầu trong cả nước, quán triệt tinh thần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả triển khai thực hiện, phấn đấu đến ngày 5.10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động.

Trong tháng 10, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng bắt tay ngay vào việc rà soát danh sách và tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động, tính mức giảm trừ mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động với mục tiêu nhanh nhất, kịp thời và chính xác nhất.

Ghi nhận ngày đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ tại Công ty CP SABRE (Hà Nội) cho thấy việc thực hiện thủ tục rất nhanh gọn và thuận lợi. Là doanh nghiệp thành viên của Vietnam Airlines với 234 lao động, thời gian qua, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến lĩnh vực hàng không cũng tác động mạnh đến việc làm và thu nhập của người lao động tại SABRE, đã có 30 người phải nghỉ việc không lương.

Nhiều người lao động tại đây bày tỏ rất vui khi được hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người mới tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ 12 tháng cũng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng, người có thâm niên đóng hơn 20 năm được hỗ trợ 3,3 triệu đồng, tuy số tiền không quá lớn nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no,” khoản tiền này cũng giúp họ đỡ khó khăn, trang trải phần nào chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

Vừa nhận tiền từ ngân hàng chuyển vào tài khoản, chị Trần Thị Khánh Diên, nhân viên tài chính của công ty cho biết không nghĩ mình vẫn có công ăn việc làm, đang làm việc bình thường lại được nhận khoản hỗ trợ này. Đây là lần đầu tiên chị được nhận tiền hỗ trợ từ nhà nước. Từ khi dịch bùng phát, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, được nhận chính sách hỗ trợ của Chính phủ qua tài khoản ngân hàng kịp thời, chị cũng như những người trong công ty rất vui mừng.

Có đến 24 năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp, được nhận mức hỗ trợ cao nhất là 3,3 triệu đồng, anh Vũ Hải Tùng cho hay gần 2 năm xảy ra dịch COVID-19, thu nhập của anh bị giảm sút rất nhiều. Cảm ơn Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chăm lo cho người lao động, dù số tiền không nhiều, song, theo anh Tùng, đây là nguồn động viên cho anh cũng như mọi người tiếp tục yên tâm làm việc.

Theo anh Hoàng Sơn, chuyên viên tiếp thị kinh doanh của SABRE, trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của công ty và người lao động, đất nước còn nhiều khó khăn, vẫn được đi làm đã là điều hạnh phúc, thì sự hỗ trợ này càng đáng quý, đáng trân trọng. Là một trong những người đầu tiên được nhận hỗ trợ, anh bày tỏ rất vui.


Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: PV/Vietnam+

Chị Nguyễn Hoàng Thảo, cán bộ hành chính-nhân sự của công ty cho biết tuy đang trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh nhưng vẫn nhận được sự hướng dẫn kỹ càng của cán bộ thu thuộc Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Các thủ tục đều được cải cách đơn giản, giúp cho việc chi trả nhanh chóng, kịp thời. Bảo hiểm xã hội đã lập danh sách gửi cho công ty, bộ phận giải quyết chính sách chỉ cần kiểm tra lại thông tin và thông báo lại. Chỉ sau đó một ngày, người lao động đã nhận được đầy đủ tiền hỗ trợ.

Qua rà soát, đối chiếu danh sách, tại Công ty CP SABRE có 179/234 lao động đủ điều kiện được hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 466,85 triệu đồng. Toàn bộ nhân viên của công ty đã nhận được nguồn hỗ trợ trên ngay trong chiều 1.10. Công ty này cũng được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022) với tổng số tiền 240 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị SABRE Nguyễn Thượng Thuyết cho biết lĩnh vực hàng không, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Không ngoại lệ, SABRE cũng bị tác động tiêu cực của dịch. Từ lúc dịch xuất hiện đến nay, kinh doanh của công ty bị thu hẹp rất nhiều, đặc biệt là công ăn việc làm của người lao động rất khó khăn, một số phải nghỉ không lương, nghỉ việc. Doanh thu bị giảm nhiều, trong khi nhiều khoản chi phí không có điều kiện để cắt giảm, trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết 116 là hết sức thiết thực, vô cùng có ý nghĩa.

“Trong suốt giai đoạn dịch, các quyết sách của Chính phủ đối với nhân dân, người lao động, doanh nghiệp kịp thời, thiết thực, là động lực quan trọng để cả nước đồng lòng đoàn kết, hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Với chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đợt này, người lao động và gia đình của họ có thể giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và qua đó góp phần tránh tình trạng đứt gãy hoặc thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch tới đây, khi bước vào giai đoạn phát triển bình thường mới,” ông Nguyễn Thượng Thuyết cho hay.

Ông cũng cho biết việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống 0% giúp doanh nghiệp giảm tải được chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo công ăn việc làm mới cho lao động. Các thủ tục được thực hiện rất nhanh, kịp thời và thuận lợi. Theo ông Thuyết, ngày 24.9, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 thì chưa đầy 1 tuần sau, người lao động đã được nhận hỗ trợ, chính sách đi vào cuộc sống rất nhanh.

Thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo số liệu tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau ngày đầu triển khai Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28, tại 20/63 tỉnh, thành phố đã có 3.570 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng; 137.826 người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022) cho khoảng 4,43 triệu người lao động, với tổng số tiền gần 3.470 tỷ đồng.


Ảnh minh họa: TTXVN

Người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước đều vui mừng và đánh giá cao gói hỗ trợ đầy tính nhân văn, chia sẻ, kịp thời lần này của Quốc hội và Chính phủ. Gói hỗ trợ này cũng tiếp tục khẳng định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng bảo đảm an toàn hiệu quả, minh bạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết trong quá trình triển khai, ngành sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để 386.000 doanh nghiệp và gần 13 triệu người lao động trên toàn quốc được hưởng chính sách một cách nhanh chóng nhất, chính xác nhất và công khai, minh bạch.

“Với quy định thủ tục hồ sơ hưởng chính sách từ gói hỗ trợ này được cải cách tối đa, chúng tôi nghĩ, trong 10 ngày đầu, những người có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp sẽ được rà soát, đối chiếu và cơ bản nếu có tài khoản cá nhân sẽ nhận được tiền hỗ trợ,” theo ông Lê Hùng Sơn.

Trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội các địa phương phải tăng cường cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tính tuân thủ nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này.

Nếu cán bộ trong hệ thống Bảo hiểm xã hội không tuân thủ quy trình nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ không tốt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xử lý nghiêm để bảo đảm thực thi công vụ, cải cách hành chính, để người dân và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất có thể nhận được tiền hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch