Năm 2022, số vàng trị giá hơn 30 tỷ USD, tương đương hơn 435 tấn, đã bị buôn lậu ra khỏi châu Phi tới các điểm đến chính là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ.
Theo báo cáo mới đây của Swissaid, một tổ chức viện trợ và hỗ trợ phát triển của Thụy Sĩ, hàng năm số vàng trị giá hàng tỷ USD đã bị buôn lậu ra khỏi châu Phi.
Báo cáo của Swissaid cho biết vào năm 2022, số vàng trị giá hơn 30 tỷ USD, tương đương hơn 435 tấn, đã bị buôn lậu ra khỏi châu Phi tới các điểm đến chính là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ, nơi vàng được tinh chế và bán đi khắp thế giới.
Có tới 2.569 tấn vàng, trị giá khoảng 115 tỷ USD, đã được buôn lậu sang UAE trong giai đoạn 2012-2022. Mức chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu của UAE từ các nước châu Phi đã ngày càng gia tăng trong những năm qua, có nghĩa là lượng vàng buôn lậu ra khỏi châu Phi dường như đã tăng lên trong 10 năm qua, từ 234 tấn vào năm 2020 lên 405 tấn vào năm 2022.
Thụy Sĩ cũng là một điểm đến lớn khác với vàng châu Phi, khi khoảng 21 tấn vàng đã được nhập khẩu không khai báo từ châu lục này vào năm 2022.
Báo cáo cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều nếu vàng châu Phi được nhập khẩu qua các nước thứ ba, nhưng một khi vàng đã được tinh chế, hầu như không thể truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo Swissaid, khoảng 32-41% số vàng sản xuất ở châu Phi không được khai báo. Năm 2022, Ghana là nước sản xuất vàng lớn nhất ở châu Phi, tiếp theo là Mali và Nam Phi.
Nhóm tác giả của báo cáo cho biết báo cáo này nhằm để hoạt động buôn bán vàng châu Phi trở nên minh bạch hơn và đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải hành động nhiều hơn để xác định được nguồn cung vàng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của chuỗi cung ứng, đồng thời qua đó “cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương và điều kiện làm việc của những người thợ mỏ trên khắp châu Phi”.
TB (theo TTXVN)