Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này, còn bị mang tiếng trục lợi.
Nội dung trên được lãnh đạo SJC nêu tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh chiều 16/5.
Theo bà Hằng, năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, vì họ chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng trong năm này, Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng ra đời để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế.
Theo nghị định này, SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Công ty này chỉ được dập lại vàng móp.
"Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi", bà nói, thêm rằng dù giá chênh lệch 15-20 triệu đồng hay hơn nữa công ty cũng không được lợi.
Bà Hằng dẫn chứng thêm trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.
"Lợi nhuận giảm mạnh, đời sống người lao động rất khó khăn", bà Hằng nói.
Do không được làm vàng miếng, doanh nghiệp chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Giai đoạn đầu, sản phẩm trang sức của SJC gặp khó khăn, không cạnh tranh được và chỉ có lời 6 năm trở lại đây.
Theo Tổng giám đốc SJC, Nghị định 24 có thành công nhất định khi giúp ổn định nền kinh tế, chống "vàng hóa", nhưng cũng tạo ra những rào cản. Doanh nghiệp không được nhập, không sản xuất, dập vàng miếng. "Trước khi nghị định ra đời chưa bao giờ có tình trạng cầu vượt cung, chênh lệch giá vàng như vậy", bà Hằng nói, thêm rằng Nghị định 24 cần được sửa đổi để phù hợp thực tế.
Cụ thể, Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để chọn mua sản phẩm phù hợp.
Bà cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng để có nguồn nguyên liệu. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng nhập lậu nhức nhối hiện nay.
Đề xuất của lãnh đạo SJC đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục biến động thời gian qua. Đỉnh điểm, ngày 10/5, kim loại quý vượt 92 triệu đồng một lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng trong nước tăng cùng chiều với thế giới, nhưng mức chênh vẫn cao, dao động 16-17 triệu đồng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng.
Tại họp báo, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nói giá vàng biến động có nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị các nước, khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào kim loại quý này.
Trong nước, người dân xem vàng là kênh đầu tư tài chính, tài sản bảo toàn vốn giữa những biến động thị trường. Điều này khiến tạo áp lực lên cung - cầu vàng trong nước.
Để ổn định lại thị trường này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cung ra thị trường qua đấu thầu. Sau 7 phiên thầu được tổ chức trong gần một tháng qua, trong đó 3 phiên bị hủy, trên 27.000 lượng vàng miếng SJC được cơ quan quản lý tung ra thị trường.
Rút kinh nghiệm từ các lần đấu thầu "ế ẩm" trước, cơ quan quản lý đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này, theo nhà điều hành giúp các phiên gần đây tăng số thành viên tham gia và quy mô vàng cung ra thị trường.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đầu tuần này yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chậm nhất ngày 17/5 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế. Ông cũng yêu cầu siết sử dụng hóa đơn điện tử từng lần giao dịch, tình trạng buôn lậu vàng.
Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng đồng tình việc thanh, kiểm tra sẽ giúp thị trường này phát triển lành mạnh hơn. Bà Hằng cũng đề nghị nhà chức trách cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp bán vàng phải xuất hóa đơn, bảo đảm nguồn gốc, công bằng trong kinh doanh.
TB (theo VnExpress)