Góc nhìn

Độc quyền vàng miếng

PHƯƠNG LINH 19/01/2024 18:14

Việc cho SJC độc quyền làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến giá vàng miếng có sự chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.

banvang_muavang_1.jpg
Giá vàng miếng SJC trong nước có lúc đắt hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa)

Những ngày cuối năm 2023 đã chứng kiến thị trường vàng trong nước nổi sóng, giá vàng phá vỡ kỷ lục mọi thời đại. Giá vàng SJC ghi nhận trong ngày 26/12/2023 vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn vượt 64 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, đặc biệt vàng miếng SJC.

Điều gì làm cho giá vàng tăng sốc và đâu là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước "vênh" với giá vàng thế giới ở mức rất cao? Thứ nhất, giá vàng trong nước tăng là do giá vàng thế giới tăng. Ngày 26/12/2023, giá vàng thế giới giao dịch quanh mốc 2.076 USD/ounce, tăng 13% so với đầu năm 2023. Giá vàng trong nước như đề cập ở trên vượt 80 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và 64 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn, tăng 20% cũng so với đầu năm 2023. Giá vàng miếng SJC trong nước đắt hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng do thị trường tài chính trong nước những tháng cuối năm 2023 có nhiều biến động, nhiều kênh đầu tư gặp khó. Thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa lấy lại được niềm tin của người dân, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp nhất từ trước tới nay, dưới cả mức lạm phát... làm cho dòng tiền chảy vào vàng - tài sản "phòng thủ" để bảo đảm giá trị.

Một nguyên nhân khác khiến giá vàng miếng SJC tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là do quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hai điểm chính trong Nghị định 24 làm cho giá vàng miếng biến động mạnh thời gian qua. Thứ nhất, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Thứ hai, chỉ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mới được tổ chức mua bán vàng miếng.

Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Nhiều người dân đã phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã nắm giữ từ lâu với giá rẻ hơn vàng SJC mặc dù chất lượng như nhau. Chính sách độc quyền vàng miếng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi nhu cầu của người dân lớn thì nguồn cung vàng miếng lại bị giới hạn nên chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới bị kéo giãn, chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng bị nới rộng, khiến rủi ro bị đẩy cho người mua. Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường. Ngay lập tức, giá vàng SJC trong nước giảm mạnh.

Độc quyền không quá xa lạ với người dân Việt Nam. Câu chuyện hơn 20 năm trước đối với mạng điện thoại di động là ví dụ điển hình. Thời điểm đó, cả nước có 2 nhà mạng di động nhưng lại chung một chủ sở hữu. Cước di động rất đắt, gần 200.000 đồng/tháng, chỉ có những "đại gia" mới dám sử dụng. Sau đó vài năm, một loạt nhà mạng di động ra đời đã tạo ra thị trường cạnh tranh bình đẳng, kéo cước di động giảm mạnh. Nếu đem so sánh giá cước di động trả sau của hơn 20 năm trước với thời điểm hiện tại, có thể chỉ tương đương.

Trên tinh thần những việc tư nhân làm được thì để tư nhân làm (trừ những lĩnh vực đặc biệt theo quy định), Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng vận hành theo cơ chế thị trường, giá vàng trong nước có sự liên thông với giá vàng thế giới. Cần chấm dứt độc quyền thương hiệu vàng SJC, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm soát tuổi vàng, trọng lượng vàng... Trả lại hoạt động kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Ngân hàng thương mại chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh như chứng chỉ, trái phiếu... liên quan đến vàng.

PHƯƠNG LINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc quyền vàng miếng