Con tôi vừa học xong lớp 3. Sau khi kết thúc năm học, tôi khuyến khích con tham gia các hoạt động hè tại địa phương để con có kỳ nghỉ hè vui và bổ ích.
Nhiều trẻ không thích tham gia sinh hoạt hè tại địa phương một phần vì phải dậy sớm (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, những ngày đầu cùng con tham gia hoạt động hè tại khu dân cư, tôi thấy còn nhiều hạn chế.
Tại các buổi sinh hoạt, các cháu học sinh chưa tích cực tham gia. Thời gian sinh hoạt quy định từ 5 giờ 30 - 6 giờ nhưng nhiều cháu đến muộn. Buổi đầu tiên có 3 cháu tham gia (trong đó có cả con tôi). Buổi thứ hai, có gần 10 cháu. Buổi thứ ba, con số tăng lên 18 cháu nhưng theo bác trưởng khu, số này mới chỉ bằng 10% tổng số cháu trong độ tuổi sinh hoạt hè tại địa phương.
Cũng qua 3 buổi sinh hoạt hè của con, tôi thấy địa phương chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cháu sinh hoạt. Các bạn thanh niên tình nguyện hỗ trợ, dẫn dắt phong trào thiếu nhi tại địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm. Nội dung và hình thức sinh hoạt chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do vậy, các hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn trẻ.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cháu không thích, không muốn tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Ngoài ra, không thể phủ nhận, một bộ phận trẻ em có tâm lý ngại tham gia sau thời gian dài học tập, các cháu muốn được ngủ nướng, xả hơi với điện thoại, ti vi... Thời gian sinh hoạt hè được quy định từ 5 giờ 30 - 6 giờ cũng là sớm với các cháu nhỏ tuổi. Ngoài ra, một số nhà trường chưa có quy định bắt buộc học sinh nộp lại kết quả sinh hoạt hè cũng khiến trẻ và phụ huynh chưa coi trọng việc tham gia sinh hoạt hè.
Sau thời gian học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để các em vui chơi, giải trí. Không chỉ với trẻ em nông thôn, sinh hoạt hè có ý nghĩa đặc biệt với trẻ em thành phố khi không gian chơi của các em bị hạn hẹp, phụ thuộc quá nhiều vào ti vi, điện thoại... Thực tế, các hoạt động sinh hoạt hè phong phú, bổ ích sẽ giúp các em tăng cường giao lưu, trau dồi kỹ năng sống, bồi dưỡng tâm hồn.
Để khuyến khích các em tham gia sinh hoạt hè tích cực hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, địa phương và gia đình. Ngoài việc các thôn, khu dân cư thông báo trên loa phát thanh, các gia đình cần đôn đốc con em mình tham gia. Nội dung và hình thức các hoạt động sinh hoạt hè cần phong phú, hấp dẫn hơn như áp dụng một số mô hình tổ chức giải bóng đá, lớp học bơi... để khuyến khích các em. Ngoài việc xã hội hoá về nguồn lực tài chính, các địa phương cần quan tâm huy động sinh viên nghỉ hè, cha mẹ tham gia tổ chức các hoạt động vui, khỏe cho thiếu nhi.
TƯỜNG VY (TP Hải Dương)