Siêu trăng hôm nay là lượt đầu tiên trong 4 đợt siêu trăng diễn ra liên tiếp vào các tháng 7, 8 và 9.
Trăng tròn tháng 7 còn được bộ tộc bản xứ Mỹ gọi là Trăng Hươu bởi trong thời gian này cặp sừng của những con hươu bắt đầu mọc
Siêu trăng ngày 3.7 là siêu trăng đầu tiên trong năm nay. Trong sự kiện này, đĩa Mặt Trăng sẽ lớn hơn 30% và sáng hơn 14% khi nhìn từ Trái Đất. Nhưng chênh lệch này thường khó nhận biết bằng mắt thường trừ khi quan sát Mặt Trăng liên tục hàng đêm, theo Space.
Siêu trăng là kết quả khi Mặt Trăng tới gần Trái Đất hơn vào dịp trăng tròn. Nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia về nguyệt thực của NASA Fred Espanak cho biết hôm nay, Mặt Trăng ở cách Trái Đất 361.934 km, gần hơn so với khoảng cách trung bình là 382.900 km.
Siêu trăng xuất hiện do quỹ đạo của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất không phải hình tròn hoàn hảo. Do ảnh hưởng lực hấp dẫn của Trái Đất, quỹ đạo Mặt Trăng có hình elip, nghĩa là ở một số thời điểm, Mặt Trăng ở gần Trái Đất hơn và đôi khi, nó ở xa hơn. Siêu trăng xảy ra khi Mặt Trăng vừa ở pha trăng tròn trong chu kỳ 29,5 ngày vừa nằm ở cận điểm, điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo.
Sau tháng 7, siêu trăng tiếp theo sẽ xuất hiện vào ngày 1.8. Theo Espanak, trong dịp này, khoảng cách giữa Trái Đất và vệ tinh tự nhiên của nó là 357.530 km. Tháng 8 cũng chứng kiến đợt siêu trăng thứ 3 vào ngày 30.8. Đây là sự kiện đặc biệt đối với những người quan sát bởi Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất 357.344 km. Vào đợt siêu trăng cuối cùng của năm 2023 hôm 28.9, Mặt Trăng sẽ bay cách Trái Đất 361.552 km. Năm 2024 chỉ có hai đợt siêu trăng, lần lượt vào các ngày 18/9 và 18.10.
Theo VnExpress