Ngày 23/8, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra ở Cục Đăng kiểm, 14 trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Chiều 17/8, TAND TP Hồ Chí Minh phát thông báo về việc thay đổi thời gian tuyên án vụ xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết sẽ tuyên án vào lúc 8h ngày 27/8, tuy nhiên do có sự thay đổi, TAND TP Hồ Chí Minh thông báo cho VKSND TP Hồ Chí Minh, Trại tạm giam Chí Hòa (T30), bị cáo, luật sư và các đương sự rằng phiên tòa sẽ được tuyên án vào lúc 8h ngày 23/8.
Phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm dự kiến kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 18/7 - 18/10). Tuy nhiên, qua thẩm vấn, tranh tụng, đa số bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội nên phiên tòa kết thúc sớm so với dự kiến.
Trong phần nói lời sau cùng sáng nay, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và bày tỏ sự ăn năn hối cải. Bị cáo Hình xin lỗi Đảng, Chính phủ và toàn bộ cán bộ ngành Đăng kiểm, gửi lời xin lỗi tới người vợ đã gắn bó hơn 40 năm. Bị cáo rất hối hận và mong nhận được sự tha thứ.
Trần Kỳ Hình chia sẻ, bị cáo đã có 37 năm 7 tháng trong ngành Giao thông Vận tải và làm việc không kể ngày đêm, dù ở cương vị nào cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Tuy nhiên, vào những năm sắp về hưu, bị cáo đã không giữ được mình và phạm tội.
"Bị cáo đã 64 tuổi, ở độ tuổi xế chiều, bị cáo phải trả giá bằng những ngày tháng trong lao tù, từ nay đến cuối đời không biết còn đủ sức khỏe để chờ mãn hạn tù. Bị cáo vô cùng ân hận về những gì mình đã gây ra, bản án tòa tuyên đã nặng nhưng bản án lương tâm còn nặng hơn và sẽ theo bị cáo đến cuối đời", Trần Kỳ Hình nói, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là cán bộ Cục Đăng kiểm.
Bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) thừa nhận sai lầm, bày tỏ sự ân hận và đã khắc phục toàn bộ thiệt hại. Ông Hà xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và cán bộ, viên chức ngành Đăng kiểm, đồng thời tin tưởng vào phán quyết công tâm của HĐXX.
Các bị cáo còn lại bày tỏ ân hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để quay trở về với gia đình.
Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà là người chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị, quản lý công tác đăng kiểm trên cả nước. Tuy nhiên, ông này đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.
Khi phát hiện sai phạm, tiêu cực, ông Hà không chấn chỉnh, xử lý vì vụ lợi cá nhân tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận tiền hối lộ và chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất.
Cơ quan công tố xác định cựu cục trưởng Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó các đơn vị Phòng kiểm định xe cơ giới (từ tháng 8/2021 đến 9/2022) là hơn 31 tỷ đồng; 4 trung tâm đăng kiểm (Khối V, thuộc Cục tại TP Hồ Chí Minh từ 1/4 đến tháng 11/2022) là hơn 7,6 tỷ đồng.
5 trung tâm đăng kiểm Khối V tại Hà Nội nhận 780 triệu đồng, tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Ông Hà bị cáo buộc hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.
Cũng có các hành vi sai phạm tương tự như ông Hà, ông Trần Kỳ Hình bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.
Nhà chức trách xác định, ông Hình nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.
Ngoài ra, bị cáo Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Có vai trò sau lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam là các bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo và cán bộ tại Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR), nơi có chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe. 22 cá nhân gồm trưởng, phó phòng và các nhân viên tại phòng chuyên môn này bị cáo buộc về loạt sai phạm; trong đó, Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng VAR) là nhân vật quyền lực nhất.
Từ khi nhận chức quyền trưởng phòng vào tháng 3/2019, Quân đã vạch ra chủ trương bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế để cấp giấy chứng nhận cải tạo xe của các công ty cho nhân viên thực hiện.
Quân đã bàn bạc, thống nhất chủ trương nhận, chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên phòng VAR, do đó phải chịu trách nhiệm về tổng số tiền các đăng kiểm viên đã nhận hối lộ là hơn 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra đánh giá cấp phép đủ điều kiện Trung tâm Đăng kiểm 50-19D của Trần Bửu Tùng, Quân còn nhận hối lộ 9.500 USD. Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Trần Anh Quân hưởng lợi 11,5 tỷ đồng và 9.500 USD.
ĐH (theo VTC News)