Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan tố tụng đã xem xét loại bỏ những trường hợp nhận tiền lặt vặt, chỉ xử lý những đối tượng thực hiện hành vi có tổ chức.
Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày 18/7 sẽ mở phiên xét xử 254 bị cáo liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Trong số 254 đối tượng bị truy tố, xét xử, có 2 cựu cục trưởng là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà, 1 cục phó là Nguyễn Vũ Hải.
Dù có tới 254 bị cáo bị đưa ra xét xử, nhưng đây chỉ là những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mang tính tổ chức, còn rất nhiều trường hợp nhận tiền lặt vặt đã được cơ quan tố tụng phân loại, không xử lý.
Trao đổi với báo chí, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho hay: “Qua xem xét phân loại, cơ quan tố tụng chỉ xử lý những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, chủ mưu cầm đầu. Còn những trường hợp nhận tiền lặt vặt, ví như khi người dân đi đăng kiểm xe có cho các đăng kiểm viên 200-300 nghìn, thì đây là hành vi nhỏ lẻ, không có ý thức tổ chức. Cơ quan tố tụng đã nghiên cứu xem xét và loại bỏ những đối tượng này, không xử lý”.
Đối với sai phạm tại Cục Đăng kiểm, theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, nhưng lãnh đạo Cục, Phòng đến các Trung tâm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ trung tâm, các chủ phương tiện, để bỏ qua lỗi.
Với việc làm ngơ cho cấp dưới, bị cáo Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021, đã nhận hơn 7,1 tỷ đồng của Phòng kiểm định xe cơ giới, Phòng tàu sông và 24 chi cục đăng kiểm.
Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm thay, không những không chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực, sai phạm, mà còn chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân lên, để được hưởng cao nhất.
Vì vậy, chỉ sau hơn 1 năm lên giữ chức cục trưởng, bị cáo Hà đã nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng.
Theo truy tố, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.
Các đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.
Tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân được bổ nhiệm Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới. Lúc này, các đăng kiểm viên báo cáo với Quân về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Sau đó, Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hằng tháng sẽ chia cho Quân 700.000 đồng/hồ sơ. Quân sẽ dùng một phần chia lại cho ông Trần Kỳ Hình và sau đó là Đặng Việt Hà. Các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.
VN (theo Vietnamnet)